(HNMO) - Sáng 10-12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông; lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm 2020, Thành ủy Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp nhằm nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định, chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã huy động được sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhất là việc xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp nhằm giữ vững an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện bảo đảm khách quan, chính xác; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; nhiều vụ việc mới phát sinh đã được giải quyết ngay tại cơ sở.
Ban Chỉ đạo từ thành phố tới cơ sở đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc và triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiểm soát tốt tình hình tại cơ sở, giảm phát sinh các vụ việc phức tạp...
Năm 2021, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó sẽ tăng cường vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp và đối thoại trực tiếp với công dân, không để phát sinh "điểm nóng"...
Rà soát vấn đề dân sinh bức xúc, kịp thời giải quyết các “điểm nóng” từ cơ sở
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU đã đạt được trong năm 2020, qua đó, đóng góp quan trọng vào những kết quả chung của thành phố, tạo ra những thay đổi cơ bản trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở trong giải quyết các vụ việc nổi cộm.
Nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuộc sống...
Lưu ý 6 tháng đầu năm 2021 sẽ diễn ra hai sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát, nắm bắt và dự báo tình hình từ cơ sở, tham mưu Thành ủy Hà Nội trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo bầu không khí đoàn kết, thống nhất trong nhân dân trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát các vấn đề dân sinh bức xúc, đặc biệt là những vấn đề lớn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh môi trường để kịp thời giải quyết các “điểm nóng” từ cơ sở. Các đơn vị chức năng, ngoài việc nắm bắt kịp thời các vụ việc nổi cộm, cần dự báo được tình hình để tham mưu hiệu quả với Ban Chỉ đạo những phương án giải quyết cụ thể.
Liên quan đến Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Phong giao Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Các thành viên theo chức năng, nhiệm vụ rà soát lại những vấn đề khó khăn, phức tạp; báo cáo toàn diện, đầy đủ về các vụ việc và các tổ chức cơ sở Đảng cần được củng cố.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị bổ sung Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội và Báo Hànộimới vào thành viên Ban Chỉ đạo, qua đó đưa tiếng nói chính thức của Thành ủy tới đông đảo người dân. Cùng với đó, sớm rà soát các kết luận của Ban Chỉ đạo để thực hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc.
Đối với những vấn đề có tác động lớn đến đời sống của người dân, các sở, ngành thành phố cần đánh giá kỹ tác động từ khâu xây dựng chủ trương đầu tư, quy hoạch; làm tốt công tác dự báo để từ đó chủ động được tình hình trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.