Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng chuyện thế chấp sổ BHXH để thực hiện hợp đồng tín dụng

Theo VOV| 14/01/2018 14:19

Tại nhiều địa phương ở Phú Yên có tình trạng người lao động đem thế chấp Bảo hiểm xã hội để thực hiện các hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại.

Gần đây, cơ quan BHXH tỉnh Phú Yên có nhận được công văn từ một Phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đề nghị phối hợp ngăn chặn việc cấp mới sổ BHXH và chi trả chế độ sau khi người lao động đã đem sổ BHXH thế chấp để vay tiền.

Trong khi đó, ở một số địa phương khác đã có tình trạng, sau khi đem thế chấp, người lao động báo mất sổ để được cấp lại sổ BHXH mới.

Một số người lao động thế chấp sổ BHXH tại ngân hàng. (Ảnh minh họa)


Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên cho biết: "Không chỉ riêng ở Phú Yên, mà rất nhiều địa phương trong toàn quốc có tình trạng này. Do đó, một đơn vị BHXH nào đó giải quyết rồi thì tất cả các cơ quan trong đơn vị trong hệ thống BHXH cả năm sẽ không giải quyết được sổ BHXH này nữa".

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số người lao động thế chấp sổ BHXH tại các ngân hàng nhưng thực tế này đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo Luật BHXH mới, người lao động có toàn quyền quản lý, sử dụng sổ BHXH hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. Và đây chính là cơ sở để phát sinh hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với người lao động.

Luật sư Nguyễn Hương Quê, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cho rằng: "Theo quy định của pháp luật thì trường hợp này pháp luật không ngăn cấm. Hồ sơ BHXH cũng là một tài sản có giá. Cho nên ngân hàng đồng ý cho vay theo quy định của Bộ luật dân sự là phù hợp".

Còn Thạc sỹ Trịnh Thị Lạc, giảng viên Học viện Ngân hàng, Phân viện Phú Yên nêu ý kiến: "Tài sản để đem thế chấp thì phải đảm bảo được những điều kiện về mặt pháp lý. Thứ nhất là thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm; Thứ hai quan trọng là phía được chuyển nhượng. Nhưng trong trường hợp này sổ BHXH lại không quy định về được phép chuyển nhượng. Cho nên quyền của người nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm đó lại không có được khẳng định. Vì vậy nên chăng chỉ xem nó như một biện pháp để ràng buộc ý muốn trả nợ của khách hàng, thay vì mình dùng nó như một nguồn trả nợ thứ hai".

Như vậy, mặc dù Luật BHXH mới cho phép người lao động có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm ở bất cứ đâu nhưng sẽ không có việc chi trả chế độ trùng lắp từ phía cơ quan bảo hiểm.

Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp sổ mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng thương mại nếu người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên, sổ BHXH không phải là một tài sản để thế chấp, sổ này chỉ có giá trị pháp lý khi được cơ quan BHXH đứng ra làm thủ tục giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cho biết thêm: "Sổ này chỉ có giá trị khi nào người lao động mang sổ đến cơ quan BHXH để đề nghị giải quyết chính sách thì mới có giá trị".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nóng chuyện thế chấp sổ BHXH để thực hiện hợp đồng tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.