Theo các quy định của pháp luật hiện hành, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng từ một lao động trở lên, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, chính sách BHXH bắt buộc được thiết kế ngày càng thông thoáng, mở rộng đối tượng tham gia. Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải sử dụng từ 10 người lao động trở lên mới đủ điều kiện tham gia, thì hiện nay, chỉ cần sử dụng từ một người lao động trở lên đã có thể tham gia chính sách.
Điều kiện tham gia BHXH bắt buộc của người lao động giảm từ đủ 3 tháng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, xuống còn một tháng, tạo thuận lợi cho đại đa số lao động khu vực kinh tế chính thức được tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh. Ngoài ra, các quy định của pháp luật hiện hành bổ sung nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Lũy tiến đến thời điểm này, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, bằng hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có tên trên hệ thống, người lao động được hưởng 5 chế độ, gồm có: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Tất cả các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng các chế độ đều được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời.
Nhằm bổ sung đối tượng tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với nhóm đối tượng:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương;
- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);
- Người lao động và người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động.
Theo ước tính, với đề xuất này sẽ có thêm 2,5 triệu người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Cùng với đó, quyền lợi của người tham gia cũng được bổ sung. Theo đề xuất, thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ giảm từ đủ 20 năm hiện nay, xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.