Từ năm 2021, huyện Thanh Trì đã triển khai mô hình chợ văn minh, thương mại, an toàn thực phẩm.
Đến nay, mô hình này đã có nhiều kết quả tích cực và từng bước được nhân rộng. Trong thời gian tới, Thanh Trì sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng mạng lưới chợ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về văn minh thương mại, bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán.
Xây dựng 5 chợ văn minh thương mại
Đi thực tế tại chợ Thanh Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) - chợ đầu tiên được huyện chọn làm mô hình thí điểm chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, lối đi trong chợ rộng rãi, sạch sẽ, người dân đi lại không phải chen lấn. Hàng hóa được sắp xếp theo từng khu. Các quầy hàng đều có mã QR để khách hàng có thể thanh toán trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Hoan, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ tại chợ Thanh Liệt chia sẻ, từ khi chợ được sắp xếp theo ngành hàng và thực hiện các tiêu chí chợ văn minh, việc buôn bán trong chợ thuận lợi hơn. Các tiểu thương cũng chú trọng việc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo ông Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Long - đơn vị quản lý kinh doanh, khai thác chợ Thanh Liệt, chợ có diện tích 4.155m2, được bố trí thành các khu, gồm: 32 ki ốt kinh doanh các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, thuốc, giày dép, tạp hóa, gạo; 120 quầy hàng kinh doanh các mặt hàng hoa quả tươi, rau xanh, thịt, gia cầm, thủy sản… Để xây dựng chợ văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm, công ty đã tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về việc bán theo đúng ngành hàng quy định, yêu cầu không bán phá giá và hàng hóa phải bảo đảm chất lượng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, huyện Thanh Trì có 22 chợ (trong đó có 2 chợ hạng 1 và 20 chợ hạng 3), 2 chợ tạm tại thôn Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai), thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) và 5 điểm họp chợ tại các thôn. Năm 2021, huyện Thanh Trì đã ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn với mục đích thực hiện hiệu quả công tác quản lý chợ và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Huyện chọn chợ Thanh Liệt triển khai mô hình thí điểm thực hành bộ tiêu chí trên. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình chợ văn minh thương mại ở Thanh Liệt đã phát huy rõ hiệu quả. Vì vậy, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này ở 4 chợ khác là: Quỳnh Đô, Cầu Bươu, Tứ Hiệp và Yên Xá.
“Việc hình thành mạng lưới chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tất cả các chợ đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy; 100% các hộ tiểu thương ký cam kết kinh doanh hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Để xây dựng, duy trì, mở rộng các chợ văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm, theo bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương tại chợ Yên Xá (xã Tân Triều), các ngành chức năng cần hỗ trợ đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại, các điểm bán hàng, quầy hàng trong chợ; đồng thời, giải tỏa và xử lý dứt điểm các điểm bán hàng rong không bảo đảm quy định, tạo công bằng để các tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 16-11-2018 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; triển khai Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Trong năm 2024 và 2025, huyện tập trung đầu tư xây dựng mới 3 chợ: Triều Khúc (xã Tân Triều), Nội Am (xã Liên Ninh) và Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp). Theo đó, huyện ưu tiên nguồn lực để hoàn thành kế hoạch phát triển chợ đúng tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán.
Lãnh đạo huyện cho biết thêm, sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật và văn minh thương mại cho các tiểu thương; ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, buôn bán; tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần… Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động của các chợ về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy; phát động phong trào thi đua giữa các hộ kinh doanh trong thực hiện tốt các tiêu chí chợ văn minh thương mại…
Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, giao thương của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.