Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ''bông hoa đẹp'' trong ''vườn hoa việc tốt''

Mai Hoa| 19/10/2022 06:28

(HNM) - Thời gian qua, có rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được phát hiện, biểu dương, nhân rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Họ chính là những bông hoa đẹp trong rừng hoa rực rỡ “nghìn việc tốt” của Thủ đô, góp phần thực hiện tốt chính sách người có công, bảo trợ xã hội; phục vụ, chăm sóc chu đáo các thương, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, người bị tâm thần mạn tính...

Hướng dẫn kỹ năng cho bệnh nhân tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội (huyện Ba Vì).

Cho đi từ cái tâm, nhận lại tình cảm

"Lửa thử vàng gian nan thử sức", chính ở những nơi khó khăn, nhiều thách thức nhất đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu. Một trong những tấm gương ấy là y sĩ Đoàn Mạnh Hào, công tác tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội - nơi đang quản lý, chăm sóc 650 bệnh nhân tâm thần mạn tính, thể đặc biệt nặng, sa sút trí tuệ, thể chất và nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao, viêm gan…

Làm việc tại trung tâm từ năm 2009, suốt 13 năm y sĩ Đoàn Mạnh Hào gắn bó với Phòng bệnh nhân cách ly, làm việc và chăm sóc bệnh nhân yếu, liệt, sức khỏe sa sút và nhiều bệnh nhân nhiễm lao. Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, ốm yếu, bệnh lao còn khó khăn gấp bội, bởi bệnh nhân không biết kể bệnh, không thể chia sẻ cảm nhận triệu chứng.

Bằng ý thức trách nhiệm, anh đã tìm tòi, nghiên cứu sách vở, học hỏi từ đồng nghiệp... để có thêm kiến thức về lĩnh vực điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần. Không chỉ chủ động nghiên cứu tài liệu về bệnh lý tâm thần cùng với các bệnh nội, ngoại khoa liên quan, anh còn thường xuyên động viên bệnh nhân, động viên, khen ngợi người bệnh đúng lúc, tạo niềm tin cho họ trong quá trình khám, điều trị bệnh. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh đã cùng các đồng nghiệp nỗ lực chống dịch, có khi phải xa gia đình, tham gia trực hơn một tháng liên tục để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.

Y sĩ Đoàn Mạnh Hào tâm sự: “Với những gì cho đi chân thành từ cái tâm của người thầy thuốc, tôi cũng nhận lại được tình cảm, sự tin tưởng của người bệnh dành cho mình. Tôi tự hào được làm việc trong một tập thể tốt, nơi cho tôi cơ hội được là một người tốt và làm những công việc tốt, có ích cho đời. Mong rằng, trung tâm tiếp tục được quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh”.  

Làm đẹp cho đời từ những việc làm bình dị

Đối tượng thuộc các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và các đơn vị bảo trợ xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đều rất đặc thù, chủ yếu là thương, bệnh binh nặng, bố, mẹ liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật nặng, người già không nơi nương tựa, người bị tâm thần mạn tính..., đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị phải nỗ lực, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Với trách nhiệm, tình cảm của mình, các cán bộ, viên chức, người lao động luôn tận tụy, sẵn sàng phục vụ, chăm sóc những đối tượng đặc thù trên như những người thân. Và tại đây đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng với những việc làm bình dị đáng được trân trọng. Đơn cử như chị Lê Thị Bích Liên, nhân viên Phòng Y tế và Tẩy độc, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội - nơi đang nuôi dưỡng 115 nạn nhân là con đẻ của người tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học.

Thấu hiểu về nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ, chị Lê Thị Bích Liên cho biết: “Những ngày đầu tiên khi mới tiếp nhận nạn nhân vào trung tâm, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đã có những lúc rơi vào cảnh bế tắc, bất lực. Nói không nghe; bón ăn, tắm rửa, cho uống thuốc, nhưng họ không phối hợp, nhiều người thường xuyên lên cơn động kinh, thần kinh không ổn định... Qua thời gian, những công sức của tôi và đồng nghiệp đã dần có được hiệu quả, nhiều nạn nhân đã có sự tiến triển rõ rệt về sức khỏe, trí tuệ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, phát triển những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tương tác. Sự tiến triển của một số nạn nhân về sức khỏe, nhận thức, hành vi là nguồn động viên, khích lệ lớn để tôi và tập thể viên chức, người lao động của trung tâm tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng môi trường thân thiện, tạo niềm tin cho gia đình nạn nhân và xã hội”.

Bác Hồ từng nói “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Còn hàng trăm, hàng nghìn tấm gương như y sĩ Đoàn Mạnh Hào, nhân viên Lê Thị Bích Liên trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Họ thực sự là những tấm gương sáng, những bông hoa đẹp trong rừng hoa “nghìn việc tốt” của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ''bông hoa đẹp'' trong ''vườn hoa việc tốt''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.