Năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề công tác là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, với quyết tâm cao cùng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đến nay, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước hình thành nền tảng xã hội số...
Những kết quả tích cực
Tháng 4-2024, phường 9 quận 11 đã trở thành một trong những địa phương cấp xã đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh có Hệ thống Quản lý dữ liệu, điều hành, với các dữ liệu được số hóa trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch UBND phường 9 Trần Ninh Đông thông tin, qua thử nghiệm từ cuối năm 2023 đến nay, hệ thống đã chứng tỏ là công cụ hỗ trợ hiệu quả. Cụ thể, hệ thống có các tính năng như xem số liệu thống kê quản lý dân cư (dữ liệu dân cư, quản lý cư trú, an sinh xã hội, công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự...); có tính năng quản lý phường (tiến độ công việc...); xem bản đồ khu phố, thống kê dữ liệu khu phố…
“Trước đây, dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước tại phường chưa có sự kết nối để đồng bộ và chia sẻ, dẫn đến thiếu chính xác trong việc xác định số liệu thống nhất cho các báo cáo. Nay, với những tính năng nổi trội, hệ thống là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc quản lý, điều hành và ra quyết định thống nhất, kịp thời”, ông Trần Ninh Đông nói.
Trên quy mô thành phố, tháng 2 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng phần mềm lắng nghe mạng xã hội Socialbeat, được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm này có thể xử lý hơn 1 tỷ nội dung mỗi ngày thông qua việc chủ động thu thập thông tin từ các nền tảng mạng xã hội, báo điện tử... Trưởng phòng Thông tin điện tử (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Hòa cho biết, phần mềm phân tích chi tiết từng vấn đề cơ quan quản lý muốn thu thập nhằm nắm bắt kịp thời các diễn biến mới ngoài xã hội, từ đó đưa ra cách thức xử lý phù hợp.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi số ngày nay không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, giảm chi phí... Tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên thành phố công bố hiệu quả chuyển đổi số (DTI) theo 2 khối sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.
Với khối sở, ban, ngành, qua 6 chỉ số đánh giá (nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi số), có 11 đơn vị ở mức nâng cao, 18 đơn vị ở mức hình thành và 2 đơn vị ở mức khởi động. Với khối UBND cấp huyện, qua 4 chỉ số đánh giá (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh), UBND quận Phú Nhuận là đơn vị dẫn đầu, UBND huyện Nhà Bè đứng cuối cùng.
Bà Trương Thu Trang, 62 tuổi, ở phường 2, quận Phú Nhuận chia sẻ: "Tôi không rành lắm về chuyển đổi số. Nhưng giờ lên UBND phường nộp hồ sơ, cả 48 thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian thực hiện. Ngồi tại nhà cũng đăng ký được lịch bác sĩ đến khám, chữa bệnh. Đổi hộ chiếu giờ khai báo trực tuyến và được trả tận nơi... Như vậy, người dân gặp nhiều thuận lợi hơn so với làm thủ công như trước".
Hoàn thiện 5 nội dung cơ bản
Thành phố Hồ Chí Minh xác định, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số dự kiến chiếm 25% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 40% GRDP; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 85%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố tiếp tục triển khai chuyển đổi số đồng bộ với 5 nội dung cơ bản. Trong đó có việc hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm; góp phần xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Bên cạnh đó là hoàn thiện Hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số, thay đổi cách chỉ đạo, điều hành, từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin số hóa, tương tác theo thời gian thực.
Ba giải pháp khác sẽ được thực hiện trong thời gian tới gồm: Hoàn thiện hệ thống bản đồ số thành phố Hồ Chí Minh, với các lớp thông tin thuộc nhiều lĩnh vực; hoàn thiện Hệ thống tiếp nhận, trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua tổng đài 1022 với 5 kênh tiếp nhận và 15 lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đánh giá chỉ số chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh đã được triển khai trong năm 2023. Bộ chỉ số này gồm 6 chỉ số chính, 32 chỉ số thành phần, được tổng hợp, đo lường tự động, chỉ rõ các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục.
Đánh giá về những kết quả đạt được và mục tiêu sắp tới, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng nói: “Các nền tảng số đã, đang và sẽ giúp cải tiến quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng nhanh, giảm bớt phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với nền hành chính hiện đại, hoạt động an toàn trên môi trường số. Khâu chất lượng nhân lực thực hiện những giải pháp trên sẽ được chú trọng, bảo đảm các giải pháp phát huy tối đa hiệu quả”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.