Có những câu chuyện đã đi qua gần nửa thế kỷ mà những người liên quan đến nó vẫn không thể nào quên. Với tôi, đó là hồi ức về lần đầu tiên gặp gỡ phi công - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc.
Thật tình cờ khi tôi đọc được một tờ báo đưa tin rằng Anh hùng Nguyễn Văn Cốc từng bị tai nạn rồi phải nằm liệt giường do chấn thương sọ não. Hình ảnh người anh hùng bình dị, nhân hậu vụt quay trở lại, dù thời gian đã qua đi gần 40 năm.
Phải khá vất vả tôi mới tìm được nhà của Trung tướng phi công Nguyễn Văn Cốc vì gia đình ông chuyển chỗ ở đến 4 lần. Một buổi sáng trời mưa tầm tã, tôi tìm đến thăm ông tại khu chung cư cao cấp ở đường Nguyễn Tuân. Thấy tôi bên giường bệnh, tướng Cốc tươi cười nhìn tôi và muốn giơ tay bắt nhưng cơ thể ông nằm bất động nên lực bất tòng tâm. Tôi hỏi người trông coi ông là một thanh niên đã bên ông suốt những năm đầu ông bị tai nạn xem ông có tỉnh táo để nói chuyện được không. Anh cho biết, ông không cử động chân tay được nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, giao tiếp được, đôi khi ông còn lướt mạng qua máy tính bảng nữa.
Căn buồng của ông giống như một phòng riêng cho bệnh nhân trong bệnh viện, có đầy đủ dụng cụ sinh hoạt dành cho người bệnh. Trên tường treo bức ảnh phóng to, cảnh Bác Hồ bắt tay phi công Nguyễn Văn Cốc, dưới bức ảnh có ghi hàng chữ: “Bác chúc cho Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”. Trên tủ sách đầu giường còn có hai mô hình máy bay MIG 21, ngoài phòng khách kê chiếc đàn piano là của vợ ông (nguyên là diễn viên trong Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân). Hiện tại bà cũng phải nằm điều trị ở phòng riêng ngay cạnh phòng ông do căn bệnh tiểu đường.
Vụ tai nạn đã làm ông liệt cả người và nằm bất động gần 20 năm trên giường bệnh. Cơ thể ông gầy gò, riêng đôi mắt và nụ cười vẫn tươi nguyên vẻ yêu đời. Tôi hỏi “Bác Cốc có nhận ra em không?”. Ông nhìn tôi rất lâu rồi lắc đầu. Tôi liền nhắc lại kỷ niệm lần đầu gặp ông ở thị xã Bắc Giang cách đây gần 40 năm.
Đó là một buổi trưa hè năm 1985. Giữa cái nắng gay gắt, tôi đứng bên con dốc đầu cầu Bắc Giang để đón ô tô về Hà Nội. Đã hơn một giờ trôi qua mà vẫn không lên được chiếc xe nào. Xe tải, xe khách, xe con lác đác bò lên cầu sông Thương nhưng hết thảy đều phớt lờ cái vẫy tay của tôi. Tôi sốt ruột không phải vì nắng hay vì đói mà lo lắng sẽ nhỡ mất một việc hệ trọng khi tôi cần có mặt ở Hà Nội trước 4 giờ chiều.
Đang mải suy nghĩ thì bỗng dưới dốc có một chiếc com - măng - ca đi lên. Tôi lao ra giữa đường giơ tay vẫy dù không có mấy hy vọng vì xe com - măng - ca thời kỳ đó đa phần chở thủ trưởng cơ quan đi công tác. Nhưng thật bất ngờ, chiếc xe từ từ đỗ lại bên lề đường. Một sĩ quan quân đội người to cao, khuôn mặt hiền từ khoảng gần 40 tuổi đeo quân hàm đại tá ngồi hàng ghế đầu thò cổ ra hỏi:
- Anh về đâu?
- Dạ em xin đi nhờ về Hà Nội.
Người này vẫn giọng nói điềm đạm và giản dị:
- Thế này nhé, tôi đồng ý cho anh đi nhờ nhưng anh phải chờ tôi qua Việt Yên có chút việc rồi cùng về Hà Nội có được không?
Tôi mừng quá vâng liền rồi vội vàng mở cửa sau lên xe. Xe chuyển bánh lên cầu, ông hỏi ngay:
- Anh đi công tác hay lên Bắc Giang chơi?
- Sáng nay em dự thi cầu lông ở sân vận động Bắc Giang.
- Ồ thế chúng tôi cũng vừa ở đấy về. Thế anh bên đơn vị nào?
- Em công tác bên báo chí được mời dự.
Cách vào chuyện của ông tự nhiên, bình dị khiến tôi thêm mạnh dạn. Đến Sen Hồ (Bắc Giang), xe rẽ vào con đường đất đỏ gồ ghề, thi thoảng xe lại chồm lên mỗi khi lao xuống vũng nước “ổ voi”. Đi thêm vài cây số thì bắt gặp đường làng nhỏ hẹp, đất bùn nhão nhoét, hai bên trồng cây bạch đàn cao vút thẳng tắp, nhìn ra ngoài là cánh đồng lúa chín vàng. Cổng làng xây gạch với lũy tre xanh mướt hiện ra trước mắt tôi. Anh bộ đội lái xe còn rất trẻ đánh tay lái liên tục qua mỗi khúc cua rồi dừng lại cạnh đống rơm góc vườn. Người sĩ quan quân đội bước xuống trước trong lúc tôi đang loay hoay tìm chốt mở cửa xe. Ông tiến lại gần tôi, nói đơn giản:
- Đây là nhà bố mẹ tôi, mời anh vào uống nước rồi ta lại lên đường.
Lúc này tôi thật sự cảm động. Một sĩ quan cao cấp mà sao có phong cách giản dị, quần chúng đến vậy. Ông bước qua sân vào nhà rất nhanh với tác phong người lính, còn tôi và anh lái xe vừa đi vừa trò chuyện. Anh lái xe cho tôi hay thủ trưởng của anh là anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc. Một con người mà tôi chỉ biết tên qua báo, đài. Họ ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ của anh hùng Nguyễn Văn Cốc trong các cuộc không chiến khi lái chiếc MIG 21 bắn hạ 9 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ông cũng là người đã được Bác Hồ khen ngợi trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân. Câu nói của Bác hồi ấy đã đi vào những trang sử: “Năm mới, Bác chúc cho Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”.
Bước qua sân gạch là ngôi nhà ba gian hai chái, tường gạch lợp ngói ta như nhiều căn nhà khác của vùng quê Bắc Bộ. Bộ tràng kỷ đã bạc màu véc ni. Anh hùng Cốc vui vẻ chuyện trò cùng người phụ nữ chừng ngoài 60 tuổi mà tôi đoán là mẹ ông và mấy phụ nữ đứng tuổi khác. Các cháu nhỏ quây quần xung quanh. Thấy tôi và anh lái xe bước vào, ông giới thiệu luôn:
- Đây là mẹ tôi và các cô, các cháu trong gia đình. Rồi quay sang mọi người, ông giới thiệu tôi với gia đình: Còn anh đây là nhà báo đi nhờ xe về Hà Nội.
Bát nước trà xanh được rót ra mời tôi và anh lái xe theo cách vô cùng thân mật. Trong lúc uống nước, tôi quan sát đồ đạc đơn sơ, giản dị trong căn phòng. Gian giữa là bàn thờ gia tiên, trên tường treo bức ảnh Bác Hồ, gian bên cạnh kê bộ sập bằng gỗ mộc. Mọi thứ trong nhà đều gọn gàng, sạch sẽ. Lúc sau trong nhà đông dần lên. Người từ ngõ trên xóm dưới nghe tin anh hùng Cốc về chơi liền kéo đến mỗi lúc một đông. Tiếng cười nói râm ran khiến không khí gia đình giống như một ngày Tết đông vui đầm ấm khiến tôi không khỏi suy nghĩ về một con người đã được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, mảnh đất đã nuôi dưỡng, dạy dỗ tiếp nối truyền thống cách mạng cha anh để ông trưởng thành là một anh hùng phi công gan dạ, dũng cảm trong cuộc chiến tiêu diệt quân thù. Không những thế, người anh hùng còn giàu lòng nhân hậu với đạo đức của người quân nhân, với tác phong quần chúng đời thường....
Lúc chia tay ông, tôi ấn tượng nhất là cái bắt tay đầy thân thiện. Bàn tay ông to dày, vững chãi nhưng lại ấm áp. Ông không quên mời tôi hễ dịp nào rảnh thì ghé qua gia đình chơi.
Vậy mà 40 năm qua đi tôi mới có cơ hội được ghé thăm ông. Trong lòng không khỏi giấu nỗi buồn khi hình ảnh người anh hùng một thời chỉ còn là một thân hình gầy gò, tiều tụy. Nhưng trong suốt thời gian tôi kể lại chuyện cũ, ánh mắt ông vẫn sáng lên như thuở nào, ánh mắt của một viên phi công quả cảm, tinh nhanh và sắc lẹm trên bầu trời. Phải chăng, chúng còn sáng hơn cả các vì sao giữa Hà Nội năm ấy, ánh sáng mà ngay cả những chiếc “pháo đài bay” B52, “thần sấm” F105, “con ma” F4 cũng phải lùi bước.
Tôi nắm lấy bàn tay to dày ấm áp của ông. Trong mắt tôi, ông luôn là một người anh hùng, ngay cả trên giường bệnh cũng không chịu khuất phục hoàn cảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.