Kinh tế

Thành phố Hồ Chí Minh: Vượt khó để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước

Nguyễn Lê 30/04/2024 - 06:44

49 năm kể từ mốc son lịch sử 30-4-1975, thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên từ một đô thị chất chồng những khó khăn trở thành đầu tàu kinh tế cả nước, một trung tâm kinh tế đầy năng động, sáng tạo, thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Những bước phát triển của thành phố mang tên Bác có thể nói là thần kỳ, đã, đang và sẽ là nguồn động lực thúc đẩy kinh tế cả nước tiến lên.

Bước phát triển thần kỳ

PGS.TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh là một trong những người thấu hiểu sâu sắc nhất quá trình vật lộn với khó khăn để rồi từng bước tăng tốc phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Ông cho biết, 10 năm sau giải phóng là giai đoạn khó khăn nhất của thành phố Hồ Chí Minh, lương thực thiếu thốn, người dân có lúc phải ăn độn, từ khoai sắn đến bo bo. 10 năm tiếp theo (1986 - 1996), nhờ đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều gương sáng điển hình làm kinh tế được xem là bước đột phá đầu tiên của giai đoạn đổi mới. Hàng loạt doanh nghiệp giữ vai trò trụ cột kinh tế thành phố ra đời như Công ty Bột giặt miền Nam, Công ty Dệt Thành Công, Công ty Lương thực thành phố, Xí nghiệp Thuốc lá thành phố, Bia Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Phước Long, Caric, Sinco...

255860103_10209196904116081_6860627137610624483_n.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Lê Việt Khánh

Giai đoạn 1976 - 1985, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng bình quân 2,7%/năm. Bước vào giai đoạn đầu kể từ khi đổi mới (1986 - 1990), GRDP của thành phố tăng trưởng bình quân 7,82%/năm; giai đoạn 1991 - 1995 đạt mức tăng trung bình 12,62%/năm - đánh dấu thời kỳ thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đặc biệt, cũng giai đoạn này, đầu tư nước ngoài (FDI) tăng vượt bậc với mức tăng bình quân 67,97%/năm. Lúc này, cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Năm 1991, từ đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận; từ đó, ra đời khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán thành phố, xây dựng thị trường vốn...

Bước vào giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996 - 2010), thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bứt tốc tăng trưởng về kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số: Giai đoạn 1996 - 2000 tăng hơn 10,1%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11% và giai đoạn 2006 - 2010 tăng gần 11,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 700 USD (năm 1996) lên xấp xỉ 5.000 USD/người/năm (năm 2010).

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo chiều sâu. Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt bình quân 6,8%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,9%). Quy mô GRDP của thành phố năm 2020 chiếm 25,7% của cả nước. Năm 2023, thu ngân sách nhà nước thành phố đạt 446.500 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước...

Diện mạo đô thị hiện đại ngang tầm khu vực

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, để có được thành quả hôm nay, lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ luôn chủ động phát huy các nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, phát triển xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Các giai đoạn đổi mới và phát triển đã giúp thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng kinh tế, chuyển biến cơ cấu kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Sau 49 năm giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, rực rỡ và hiện đại với hàng loạt những công trình hạ tầng quy mô lớn, công trình mang tính biểu tượng, khu đô thị mới, các tòa nhà cao ốc như hầm vượt sông Sài Gòn, Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, tuyến kênh Nhiêu Lộc -
Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, tòa nhà Landmark 81, tòa tháp Bitexco, các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Hiệp Phước...

Không dừng ở đó, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa khát vọng phát triển, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, trong đó trọng tâm tiếp tục là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Các công trình, dự án trọng điểm dự kiến đầu tư như đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), đường Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng các quốc lộ 1, 22, 50, 13, xây tuyến đường trên cao số 1, số 5...

Các công trình kết nối vùng cũng được triển khai như xây dựng cầu Cát Lái nối với tỉnh Đồng Nai, trục động lực kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tiếp tục triển khai xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Những kế hoạch này hứa hẹn giúp cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tư duy đột phá là kim chỉ nam cho hành động

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhìn lại 49 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế của một đô thị “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, có đóng góp to lớn cho cả nước không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội mà còn về tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá. Thành phố cùng với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thể hiện vai trò của vùng kinh tế động lực của cả nước, trong đó thành phố giữ vai trò đầu tàu, kết nối.

Nói về tư duy đột phá, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, Thành phố đổi mới về tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập của đất nước. Điều đó thể hiện qua sự hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình, như Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung - mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học. Thành phố đã thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bước đột phá để xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, Thành phố luôn chủ động kiên trì đeo bám, tham mưu đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, trải qua 49 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Vượt khó để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.