Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ tiếng Hà Nội

Ngân Vũ| 18/02/2018 08:59

(HNM) - Người thanh, tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu” (Ca dao). Gần tết Mậu Tuất 2018, thế nào lại nghĩ về tiếng Hà Nội...

(Ca dao)

Gần tết Mậu Tuất 2018, thế nào lại nghĩ về tiếng Hà Nội. Không đầu, không cuối, không hẳn do sự ồn ào trong năm vừa qua - không rõ được khơi mào từ đâu nhưng liên quan đến tiếng Hà Nội, qua một cuộc tranh luận rằng phải chăng chỉ người có giọng Hà Nội mới xứng đáng làm phát thanh viên trên đài truyền hình quốc gia. Những lập luận về ngữ âm, từ vựng, phát âm, thế nào là chuẩn, tiêu chí ở đâu ra..., tính chất vấn khiến nhiều người mệt mỏi trước một vấn đề thường được nêu ra không phải để xác định thứ bậc trong bản đồ ngôn ngữ Việt Nam. Như thể mấy ai bắt bẻ người cao hứng dẫn ca dao “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất lịch, nhất sắc, kinh kỳ Thăng Long” hay khi nghe Vũ Bằng “tán” về ẩm thực Hà Nội vậy.

Bởi thế, có lẽ, nhớ tiếng Hà Nội trong dịp xuân mới là nỗi nhớ về lối giao tiếp, ứng xử quen thuộc chưa xa mà ông bà vẫn thường thể hiện trong dịp Tết đến, xuân về. Cách ứng xử ấy, như nhiều người hiểu, biểu hiện trước hết là ở lời nói, cử chỉ, trang phục, lề lối giao tiếp... thể hiện nét thanh lịch, hào hoa không lẫn vào đâu. Nói là hoài niệm, là nhớ về giá trị truyền thống đẹp đẽ ở nơi mình sinh ra và lớn lên thì cũng chẳng sai...


Nhớ không nhầm thì nhiều người từng tiếp cận với một luận văn về ngữ âm “tiếng Hà Nội gốc” mà ở đó, tác giả, trong mục tài liệu tham khảo, đã liệt kê chừng ba bốn chục công trình nghiên cứu, bài viết khá công phu về lịch sử, văn hóa Hà Nội nói chung và về tiếng Hà Nội nói riêng. Danh mục ấy có tên Trần Huy Liệu, Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Vinh Phúc, Vũ Kim Bảng, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Đức Tồn, Trịnh Cẩm Lan, Nguyễn Văn Khang... Văn, sử, khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa hòa vào nhau, nâng đỡ nhau, không dứt từng “mảnh” ra được. Và, tầng nghĩa thứ hai, không phải đơn giản mà bao học giả, nhà nghiên cứu ra công tìm hiểu về tiếng Hà Nội, lại thiên về tiếng Hà Nội gốc, xem xét vấn đề trong tổng thể để rồi, tổng kết lại, cho ra mẫu số chung mà nhiều người thường dẫn. Như Tiến sĩ Võ Quang Trọng từng viết, đại ý tiếng nói của người Hà Nội nhẹ nhàng, êm ái, uyển chuyển và khá chuẩn xác. Người Hà Nội sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt, khiến người nghe, nhất là người ở các địa phương khác, dễ mến, dễ cảm, dễ bị cuốn hút. Cùng với tiếng nói là cử chỉ, thái độ, trang phục, tất cả tạo nên sự lịch lãm, tế nhị, hào hoa riêng có.

Nói như vậy có nghĩa là ta đã đặt tiếng Hà Nội trong tổng thể các yếu tố khiến nó được rất nhiều người ưu ái tán dương cho đến ngày nay. Hẳn nhiên là bắt đầu từ cuộc dời đô lịch sử của bậc minh quân họ Lý, những thăng trầm lịch sử dẫn đến sự hiện diện của một vùng đô thị Kinh kỳ-Kẻ Chợ với cái “lõi” băm sáu phố phường và nếp sống thị dân, vị thế Thủ đô... Và, trên hết, là yếu tố văn hóa được bồi bổ qua hàng nghìn năm, vừa có tính phổ biến vừa mang nét đặc thù, vừa có tính dân tộc vừa rõ tính địa phương, những gì riêng có là điểm nhấn trong đa dạng. Đất này đất đế kinh, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ tầng văn hóa - lịch sử rõ sức hút với những vùng lân cận, vị thế Thủ đô và điều kiện kinh tế - xã hội phát triển..., tất cả là cơ sở hình thành nét ứng xử thanh lịch, văn minh được thể hiện qua lời ăn tiếng nói, trang phục, ẩm thực, thú chơi, nếp ứng xử. Rằng “người thanh, tiếng nói cũng thanh”, “những người thanh lịch nói ra dịu dàng”, là “đâu đâu nam, bắc, đông, tây/ Thăng Long thắng địa xưa nay tiếng đồn”.

*
* *

Có lẽ là sau lễ kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội (2005), giới nghiên cứu thực hiện một cuộc khảo sát về những biểu hiện phẩm chất đặc trưng thanh lịch của người Hà Nội. Đó là một đề tài nghiên cứu được thực hiện rất cẩn thận. Đối tượng phỏng vấn được chọn ngẫu nhiên trong số người tạm gọi là “Hà Nội gốc”, người thuộc một số tỉnh giáp Thủ đô, những cuộc phỏng vấn nhóm được tiến hành theo chuẩn chứ không phải “rải” phiếu hỏi ở chỗ thân quen rồi thu phiếu về ngồi cộng trừ nhân chia ra kết quả... Những gì thu được sau đó cho thấy trong các lĩnh vực biểu hiện phẩm chất thanh lịch, gồm cả ẩm thực, trang phục, nhà ở, vui chơi giải trí, tín ngưỡng, lựa chọn phương tiện giao thông... thì giao tiếp ứng xử được coi là lĩnh vực biểu hiện nét thanh lịch của người Hà Nội với tỷ lệ đồng ý cao nhất - lên tới hơn 92%. Người ta nói rằng trình độ giao tiếp ứng xử thể hiện trước tiên qua lời ăn tiếng nói, và về mặt này thì đa số đánh giá giọng Hà Nội là giọng chuẩn, “không lẫn vào đâu được”. Sự đúc rút từ giới nghiên cứu chỉ ra rằng nét khác biệt không chỉ ở chất giọng, mà còn ở phong cách, sự từ tốn, chừng mực, tự tin mà không kiêu ngạo, tự trọng mà rõ hàm ý tôn trọng người đối diện, trí tuệ mà không khoe khoang... Vẻ hấp dẫn của tiếng Hà Nội và mức độ tụng ca quanh đó, vì vậy, phụ thuộc một phần vào cách ứng xử, phong cách Hà thành thanh lịch, văn minh.

Điều đáng quan tâm là ở những đề tài nghiên cứu nói trên, đâu đó thoáng ý bi quan về tiếng Hà Nội và văn hóa ứng xử trong đà đô thị hóa và xu hướng di cư “từ làng ra phố”...Giờ đây, nhớ tiếng Hà Nội bởi nguyên cớ xa xưa và cả bởi kỷ niệm còn như mới hôm nào. Nỗi nhớ như một thứ quà xa xỉ, như gió thoảng giữa bộn bề gấp gáp, giữa không gian mỗi ngày như thêm dài rộng mà không cản nổi cảm giác về sự đông cứng. Tiếng Hà Nội gốc vẫn còn đâu đó trong những căn nhà cổ kính ở khu phố “Hàng” hay dạt ra ngoại ô, nép mình trong biển ngôn ngữ ngày càng rõ sự đa dạng, nhưng không vì thế mà mất đi tư thế chủ đạo và tính dẫn dắt. Tiếng Hà Nội gốc, hay theo cách gọi khác là phương ngữ Hà Nội, thổ ngữ Hà Nội không phải hoài niệm, vẫn còn đó chờ đến dịp, khi tổng thể nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, lối ứng xử khoan hòa, thanh lịch, văn minh trở lại đầy đủ là bung nở, “khẽ đánh bên thành cũng kêu”.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ tiếng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.