Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã

Bạch Thanh| 31/03/2019 07:20

(HNM) - Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm như: Ngà voi, các sản phẩm từ ngà voi, tê tê, vảy tê tê, rùa, chân tay gấu, sừng tê giác…

Chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.


Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ đầu năm 2018 là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã; đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các tội phạm về động vật hoang dã.

Tuy nhiên, vẫn có không ít các đối tượng vì lợi nhuận hoặc do nhận thức không đầy đủ nên vẫn vi phạm các công ước quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 28.728kg ngà voi, hơn 478,8kg sừng tê giác, hơn 15.000kg vảy tê tê và nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, rắn ráo, xương hổ, vỏ trai tai tượng...

Riêng trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán, quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài động vật hoang dã; trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như: Hổ, gấu, cu li, rái cá…

Tại Hà Nội, năm 2018, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cũng đã tiếp nhận 73 vụ do các cơ quan chức năng thu giữ, chuyển về trung tâm với 399 cá thể động vật hoang dã và 13kg rắn các loại. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã bắt, xử lý vi phạm với 154 động vật hoang dã, số lượng 24kg...

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ, nguyên nhân của tình trạng vi phạm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã là nhiều người có tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng; coi đó là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh, thể hiện thực lực kinh tế của bản thân và gia đình.

Song, cũng có nhiều loại động vật hoang dã nằm trong sách đỏ cấm buôn bán, vận chuyển, điển hình như cu li, không có giá trị thương mại, chỉ là một loại để chơi cảnh, nhiều người không biết, không nhận thức đầy đủ nên vẫn nuôi hoặc trao đổi, mua bán… Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Trong khi đó, quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã của các cơ quan chức năng thường xuyên kéo dài, đang là những rào cản, khó khăn lớn đối với việc bảo vệ động vật hoang dã hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.