Nông nghiệp

Ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã

Thanh Hiếu 12/11/2023 8:24

Hiện nay, tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã ở nước ta ngày càng gia tăng.

Để kiểm soát tình trạng này, Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến buôn bán, giết thịt thú rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

dong-vat-hoang-da.jpg
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ động vật rừng do các tổ chức, cá nhân chuyển đến. Ảnh: Hoàng Sơn

Báo động tình trạng buôn bán động vật hoang dã

Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao và phong phú với hơn 11.400 loài thực vật bậc cao; 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, trên 900 loài chim, 120.000 loài côn trùng; 700 loài cá nước ngọt, 2.458 loài cá biển đã được xác định. Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng được biết đến là nơi có nhiều loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Theo thống kê, có 407 loài động vật vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 bị đe dọa tuyệt chủng; 7 loài động vật nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới.

Mới đây, tại hội thảo "Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép", Phó Giám đốc CITES Việt Nam (đơn vị quản lý thực hiện Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Vương Tiến Mạnh cho biết, nguyên nhân của tình trạng buôn bán động vật hoang dã là vì mục đích thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cao. Trong khi đó, mức độ ưu tiên kiểm soát buôn bán trái pháp luật hoạt động này ở một số cơ quan, địa phương chưa được quan tâm; công tác tuyên truyền chưa được chú trọng khiến động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, hiện nay, còn nhiều người dân vẫn thích sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, quà tặng. Do đó, thời gian qua, nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp như: Rùa đầu to, gấu, mèo rừng, cu li, hổ, tê tê... bị các đối tượng tìm mọi thủ đoạn vận chuyển, buôn bán, giết thịt trái phép.

Điển hình, tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, hằng năm, tiếp nhận cứu hộ số động vật hoang dã do các cơ quan chức năng thu giữ từ các vụ buôn bán trái phép tăng cao. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2023, trung tâm tiếp nhận 78 vụ với 904 cá thể động vật và 114,5kg rắn các loại, tăng 16% so cùng kỳ 2022… “Bất cập này cho thấy, số vụ và đối tượng buôn bán động vật rừng ngày càng nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện để ngăn chặn và xử lý kịp thời”, ông Lương Xuân Hồng đề xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, bảo vệ động vật hoang dã là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn của đại dịch, nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã sang con người. Do đó, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã cần được quan tâm, coi trọng hơn.

Tăng cường chế tài xử lý

Để bảo vệ động vật hoang dã, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và những chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc. Điển hình là tại Điều 244 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định: “Người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1-15 năm”.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường các điều khoản xử lý hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22-9-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng đề xuất, trước khi các bộ, ngành trung ương hoàn thiện những văn bản trên, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã và siết chặt quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã.

Đồng thời, lực lượng kiểm lâm, công an đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm thông qua việc đấu tranh không khoan nhượng trong xử lý các vụ án liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cần tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của chúng…, góp phần hạn chế nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.