Xã hội

Việt Nam phạt tù hơn 330 đối tượng buôn bán động vật hoang dã

Hoàng Sơn 10/04/2024 - 13:37

Trong hai ngày 9 và 10-4, tại Vườn Quốc gia Ba Vì (thành phố Hà Nội), Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ năng nhận dạng mẫu vật ngà voi và một số loài động vật hoang dã quý, hiếm.

kiem-lam.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Sơn.

Báo cáo tại hội nghị, đai diện CITES cho biết, Việt Nam được coi là điểm trung chuyển ngà voi trái phép lớn trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2009 đến 2022, các cơ quan của Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ hơn 70 tấn ngà voi. Đặc biệt, chỉ trong tháng 2 và 3 năm 2023, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng phối hợp Chi cục Hải quan bắt giữ 3 vụ vận chuyển trái phép 8 tấn ngà voi tại Hải Phòng; và ngày 1-4 vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng tiếp tục bắt giữ 1 vụ vận chuyển gần 1,6 tấn ngà voi…

kiem-lam-1.jpeg
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên phát biểu tại hội nghị tập huấn. Ảnh: Hoàng Sơn.

Ngoài ngà voi, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lâm, công an và hải quan còn bắt giữ và tịch thu hàng tấn sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như vảy tê tê, sừng tê giác, nanh hổ và động vật hoang dã quý, hiếm khác… vận chuyển qua đường hàng không, cảng biển và cửa khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.

Để xử lý tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này, đại diện CITES cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật xử lý vi phạm. Hơn nữa, Việt Nam đã có khung hình phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật đối với động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm… Theo đó, từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng ở Việt Nam đã đưa ra xét xử hơn 450 vụ án, phạt tù hơn 330 đối tượng…

kiem-lam-2.jpeg
Đại diện CITES chia sẻ kinh nghiệm về thực thi pháp luật xử lý vi phạm. Ảnh: Hoàng Sơn.

Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến động vật hoang dã, bao gồm những thành tựu và cả những hạn chế trong việc chống buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam; nâng cao năng lực cho các lực lượng có liên quan trong việc phòng, chống, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã trước nhiều tác động…

kiem-lam-3.jpeg
Các đại biểu nhận dạng các sản phẩm động vật hoang dã. Ảnh: Nguyễn Mai.

Đề cập về các giải pháp quản lý động, thực vật hoang dã, quý, hiếm theo Công ước CITES, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất, các bộ, ngành và các địa phương cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, thực thi CITES; loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn và những quy định không khả thi nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.

Ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… có thị trường buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã lớn cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này theo Phụ lục Công ước CITES, tránh để các đối tượng buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm lợi dụng, hợp thức hóa.

Ngoài ra, thời gian tới, các tổ chức như: CITES, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Cục Kiểm lâm…, tiếp tục hỗ trợ kinh phí và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn và nhận thức cho các cơ quan thực thi pháp luật về thủ đoạn của tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã, giúp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phạt tù hơn 330 đối tượng buôn bán động vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.