Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với các mục đích khác nhau.
Để hạn chế vi phạm, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát, ghi sổ sách, gắn chíp theo dõi đến từng động vật nhằm hạn chế việc buôn bán, giết thịt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố.
Quản lý động vật bằng mã số
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cho biết, trên toàn thành phố có 52 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường, 167 cơ sở gây nuôi động vật rừng quý hiếm, 22 cơ sở gây nuôi gấu, với tổng số hàng nghìn cá thể. Các loài động vật được gây nuôi thương mại chủ yếu là cầy, cá sấu nước ngọt, lợn rừng, chim trĩ, đà điểu, dúi, nhím, rắn hổ mang; nuôi bảo tồn là hổ, báo, gấu, khỉ vàng, hạc, chim hồng hoàng...
Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Phạm Văn Mậu cho biết, động vật hoang dã hiện đang gây nuôi trên địa bàn thành phố đều có nguồn gốc hợp pháp. Các cơ sở nuôi có sổ theo dõi nuôi động vật hoang dã theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Khi có biến động tăng, giảm đàn vật nuôi, các cơ sở ghi chép đầy đủ và báo cáo kịp thời cho lực lượng kiểm lâm theo quy định. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có chuồng trại kiên cố, phù hợp với đặc tính của từng loài được nuôi, bảo đảm an toàn cho con người; vị trí chuồng nuôi xa khu nhà ở và không gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đều được Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp mã số và gắn chíp quản lý từng cá thể. Mục đích của các cơ sở này là nuôi phục vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường thiên nhiên cho cộng đồng. Hơn nữa, gây nuôi động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Do vậy, để tránh tình trạng các cơ sở lợi dụng nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép; đưa động vật hoang dã săn bắt, khai thác ngoài tự nhiên vào nhập chuồng nhằm hợp thức hóa động vật thì việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở gây nuôi luôn được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, thường xuyên để kịp thời xử lý.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Ngoài các quy định đã triển khai, hằng tháng, cán bộ của Chi cục kiểm lâm xuống các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin như: Biến động về tổng đàn, tình hình gây nuôi, các cá thể gây nuôi cụ thể... để quản lý số lượng. Những trường hợp động vật hoang dã ốm yếu, bị chết phải được thông báo ngay cho cơ quan chức năng lập biên bản, triển khai kế hoạch xử lý, tiêu hủy.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra các tụ điểm và khu chợ buôn bán động vật hoang dã trên toàn thành phố để xử lý nghiêm các vi phạm. Qua kiểm tra từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ khoảng 20 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có 1.595 cá thể động vật thông thường, 4 sản phẩm chế tác từ ngà voi châu Phi, 8 chiếc sừng linh dương thuộc nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Ngoài ra, để giảm số gấu nuôi nhốt trong khu dân cư, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam vận động các hộ dân bàn giao 9 cá thể gấu cho các trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm chắc tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, cũng như công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy đăng ký trại nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã vào nền nếp; xử lý nghiêm trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho lực lượng kiểm lâm và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 24 cơ sở nuôi nhốt gấu, với tổng số 144 cá thể gấu ngựa. Trong đó có 2 cơ sở do Nhà nước quản lý là Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội nuôi 22 cá thể, Vườn thú Hà Nội nuôi 7 cá thể và 22 cơ sở tư nhân nuôi nhốt 115 cá thể. Số gấu do cơ sở tư nhân quản lý đều được nuôi nhốt từ trước năm 2000. Do gấu ngựa là loài động vật rừng quý hiếm, thuộc nhóm IIB cần bảo vệ nên Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố để quản lý, bảo vệ; từng bước vận động các cơ sở tư nhân bàn giao gấu cho Nhà nước chăm sóc, nuôi bảo tồn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.