(HNM) - Trong bối cảnh một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu... đều tăng giá thì giá dịch vụ viễn thông không những không tăng mà còn giảm. Vì vậy, các nhà mạng phải "chật vật" tìm nguồn thu mới để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu doanh thu.
Về nguyên nhân khiến nhà mạng đạt doanh thu không như kỳ vọng, ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phân tích: Cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, các dịch vụ mới, dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí qua mạng), mạng xã hội phát triển đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Các tiện ích miễn phí này giúp con người tương tác với nhau trên môi trường mạng nhiều hơn, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ thoại, tin nhắn; khiến doanh thu các dịch vụ truyền thống - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của nhà mạng - liên tiếp giảm bình quân 10%-15%/năm trong những năm gần đây.
Khi doanh thu dịch vụ viễn thông cơ bản suy giảm, các nhà mạng phải làm gì để bù đắp nguồn thu và duy trì tăng trưởng? Về vấn đề này, ông Tô Dũng Thái cho biết, nhà mạng còn có các nguồn thu từ các dịch vụ có khả năng tăng trưởng như dữ liệu (data), băng rộng (thuê bao internet cáp quang và băng rộng di động)...
Tuy nhiên, có một thực tế là để duy trì và phát triển khách hàng mới, các doanh nghiệp viễn thông liên tiếp đưa ra các chương trình khuyến mãi, mà thực chất là giảm giá cước, hiện đang ở mức không có điểm dừng. Vì vậy, dù thực tế lưu lượng sử dụng có tăng cao, nhưng tốc độ tăng doanh thu của nhóm dịch vụ này không tăng tương ứng do chỉ số Arpu (doanh thu bình quân trên thuê bao) giảm 5%-20%.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách MobiFone nêu: "Trước đây cước 3G, giá 1GB trung bình khoảng 40.000 đồng, thì hiện nay giá 1GB data (gồm cả 3G và 4G) chỉ còn 9.000-10.000 đồng, giảm tới 4 lần và rẻ hơn rất nhiều so với mức giá data của các nước trong khu vực".
Ngoài ra, nhóm dịch vụ có thể đem lại doanh thu cao cho nhà mạng phải kể đến dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin. Từ năm 2018 đến nay, các Tập đoàn VNPT, Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đều đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng lưới, nghiên cứu phát triển và cung cấp các dịch vụ mới, hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số...
Trong đó, phải kể đến VNPT thành lập Công ty Công nghệ thông tin, Viettel thành lập hai tổng công ty: Giải pháp doanh nghiệp và Dịch vụ số để kinh doanh các dịch vụ số, công nghệ thông tin nhằm tìm nguồn thu mới thay thế cho phần giảm của nhóm dịch vụ truyền thống.
Tuy nhiên, doanh thu của nhóm dịch vụ này lại chiếm tỷ trọng chưa cao (6 tháng đầu năm 2019 Viettel đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, VNPT đạt khoảng 2.700 tỷ đồng) trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông.
Một lĩnh vực nữa vốn đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhà mạng là thanh toán thẻ cào viễn thông, nhưng bị dừng hoạt động sau sự kiện Rikvip (game bài) - liên quan vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố. Như vậy, dịch vụ viễn thông không chỉ đóng vai trò là cầu nối liên lạc, mà còn được sử dụng như là một trong các công cụ để thanh toán, phục vụ nhu cầu của người dân. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để các doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tiền di động...
Nói về hướng đi cho ngành trong thời gian tới, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: "Nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và quy trình vận hành nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới để tồn tại và phát triển, trong đó coi việc chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số là "chìa khóa" mở ra sự tăng trưởng".
Nêu hành động cụ thể tại Viettel, vị lãnh đạo tập đoàn này cho biết, mục tiêu trong vòng 2 năm (2019 và 2020), Viettel sẽ phải thực hiện chuyển đổi số thành công.
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cũng nêu rõ các hướng đi chính là tập trung chuyển đổi số tại đơn vị và tham gia quá trình chuyển đổi số của đất nước; tập trung làm chủ công nghệ lõi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.