Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngừng bắn ở Dải Gaza: Hy vọng bước đầu

Trung Hiếu| 24/11/2012 07:21

(HNM) - Cộng đồng quốc tế đã có chút hy vọng khi lệnh ngừng bắn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, do Ai Cập làm trung gian, chính thức có hiệu lực từ 19h giờ GMT ngày 21-11 (tức 2h sáng 22-11 giờ Việt Nam).



Theo đó "Israel chấm dứt các hoạt động thù địch trên mặt đất, trên biển và trên không nhằm vào Dải Gaza, bao gồm cả các cuộc xâm nhập. Đồng thời tất cả các phe phái Palestine phải chấm dứt hoạt động thù địch từ Dải Gaza nhằm vào Israel gồm cả các vụ bắn tên lửa và các cuộc tấn công dọc theo biên giới". Thỏa thuận còn quy định mở các cửa khẩu, tạo điều kiện cho sự đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa... đã tạo ra hướng mở để giải quyết cuộc xung đột hơn một tuần qua.

Phút yên bình của binh sĩ Israel khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.


Ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực, cộng đồng thế giới đã có phản ứng tích cực. Tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 22-11 tuyên bố, ASEAN hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Palestine ở Dải Gaza, coi đây là một thỏa thuận kịp thời ngăn chặn bạo lực leo thang và thương vong. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas...

Thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông có hiệu lực cho thấy lo ngại về một cuộc chiến tổng lực trên bộ giữa hai bên đối địch đã bước đầu được hóa giải. Những gì diễn ra trong 8 ngày qua tại Trung Đông đã vượt ngoài sức tưởng tượng của dư luận thế giới. Trong hơn một tuần xung đột, 1,6 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza, vốn khốn khó sau gần 6 năm bị bao vây cô lập đã phải sống trong lo âu khi các máy bay tiêm kích của quân đội Israel liên tục quần đảo và oanh kích dữ dội xuống dải đất chật hẹp này. Phía bên kia biên giới, cuộc sống của hàng triệu người dân Do Thái cũng bị đảo lộn vì các vụ nã tên lửa và rocket dồn dập của các nhóm vũ trang Hamas. Theo thống kê, cuộc xung đột bất ngờ bùng phát này đã cướp đi sinh mạng của gần 160 người và hơn 1.200 người bị thương ở Dải Gaza. Ở bên kia chiến tuyến cũng có 5 người Israel thiệt mạng... Thỏa thuận ngừng bắn này là kết quả những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng vai trò trung gian của Ai Cập cũng như sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Hiện tại, khi tiếng súng đã ngưng, nguyên nhân dẫn đến xung đột bắt đầu được "mổ xẻ". Tel Aviv phát động cuộc tấn công (ngày 14-11) nhằm ngăn chặn Hamas bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Điều đó đúng. Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình cảnh này. Dư luận cho rằng, cuộc xung đột Gaza nổ ra nhằm phục vụ cho những toan tính chính trị của cả Hamas lẫn chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trước hết, với chính quyền Tel Aviv, cuộc xung đột được khơi mào vào đúng thời điểm Israel chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử sau khi ông B.Netanyahu không thể thuyết phục được đồng minh Mỹ và cả các tướng lĩnh quân đội Israel, tham gia vào một cuộc chiến chống lại Iran. Cuộc chiến Gaza sẽ giúp liên minh tranh cử của Thủ tướng B.Netanyahu và Ngoại trưởng Lieberman tăng thêm uy tín và củng cố cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2013. Còn với Hamas, đáp lại bằng bạo lực sẽ giúp phong trào Hồi giáo này có được vị thế mới, đó là phá thế trận bao vây cô lập do Israel áp đặt từ gần 6 năm qua; hàng loạt các chuyến thăm của nhiều nhà lãnh đạo Arab đã củng cố thêm vị trí của Hamas với cộng đồng quốc tế; cùng với đó là thu hẹp những bất đồng và chia rẽ giữa Hamas và Fatah - hai lực lượng đang cùng kiểm soát hai phần lãnh thổ tách rời của Palestine - Dải Gaza và bờ Tây sông Gioócđan; đồng thời đưa hai lực lượng này xích lại gần nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung: một nhà nước Palestine độc lập.

Mưu đồ và toan tính chính trị từ hai phía đã biến thành xung đột vũ trang. Do đó, khi đã phần nào đạt được mục đích, một lệnh ngừng bắn được cả hai bên chấp nhận là dễ hiểu. Thế nhưng, trong tương lai, mâu thuẫn tiềm tàng giữa Tel Aviv và Phong trào Hồi giáo Hamas liệu có hoàn toàn biến mất? Câu trả lời là không thể. Do vậy, với lệnh ngừng bắn vừa có hiệu lực cộng đồng quốc tế cho rằng, đây mới chỉ là hy vọng bước đầu cho cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông. Để có sự bền vững lâu dài và căn bản chấm dứt xung đột ở Trung Đông cần những bước đi cụ thể hơn nữa và thiện chí tích cực từ cả người Palestine lẫn người Do Thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngừng bắn ở Dải Gaza: Hy vọng bước đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.