Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu 54 loại sản phẩm khác nhau sang Israel cho đến khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố ở Gaza.
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ này cho biết, các biện pháp sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 9-4, đồng thời nêu rõ các hạn chế sẽ bao gồm sắt thép và thiết bị xây dựng, cùng nhiều sản phẩm khác.
“Quyết định này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn vào Gaza”, Bộ Thương mại tuyên bố trên mạng xã hội.
Thông báo từ Ankara được đưa ra sau khi Israel từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thả hàng viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza hôm 8-4.
Israel không giải thích lý do từ chối, dẫn đến việc Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cảnh báo: “Không có lý do gì để Israel ngăn cản nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm viện trợ cho những người dân Gaza đang chết đói”.
Mỹ bắt đầu thả hàng viện trợ vào Gaza bằng đường hàng không vào tháng 3-2024, trong khi Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và các nước khác cũng đang nỗ lực cho các viện trợ nhân đạo tại khu vực này. Ankara đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn, ủng hộ các bước xét xử tội diệt chủng của Israel và gửi hàng nghìn tấn viện trợ cho người dân Gaza.
Ngay sau khi xung đột Israel-Hamas bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã rút Đại sứ về nước. Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ là biện pháp quan trọng đầu tiên được Ankara thực hiện chống lại Israel kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Tổng thống Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng về mối quan hệ thương mại với Tel Aviv.
Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) công bố, trong khi thương mại với Israel đã giảm kể từ ngày 7-10-2023, xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel vẫn tăng mỗi tháng từ đầu năm 2024 đến nay và đạt trị giá 423,2 triệu USD trong tháng 3. Dữ liệu TIM cho thấy, tổng xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm lên tới 1,1 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Pakistan và Ả Rập Saudi đã kêu gọi Israel dừng các cuộc tấn công ở Gaza và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Hai nước đã đưa ra yêu cầu trên trong một tuyên bố chung hôm 8-4 sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại Mecca.
Hai bên cũng thảo luận về sự cần thiết của một tiến trình hòa bình phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc và Sáng kiến Hòa bình Ả Rập “nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng và toàn diện để thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.