(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường. Những động thái quân sự cũng như thông tin
Nổi bật trong đó là thông tin về vũ khí hóa học mà Syria có thể đang sở hữu. Loại vũ khí hủy diệt này đã từng là cái cớ mà Mỹ và đồng minh đưa ra để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein bằng cuộc chiến Iraq (2003). Mặc dù, trong chuyến thăm một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7-12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết chưa có thông tin xác thực nào về Tổng thống Syria Bashar Al-Assad chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học. Đại sứ Nga tại Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Grushko cũng khẳng định, Mátxcơva không có tin gì về Damascus sẽ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc đối đầu với lực lượng đối lập. Nhưng, thông tin này đã trở thành vấn đề "nóng" hiện nay khi Mỹ cùng đồng minh coi đó là "giới hạn đỏ" và cảnh báo chính phủ đương nhiệm Syria sẽ phải đối mặt với "phản ứng mạnh mẽ" của cộng đồng quốc tế nếu sử dụng vũ khí hóa học chống quân đối lập. Như một dẫn chứng, ngày 8-12, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, London và Washington đã có bằng chứng cho thấy Syria chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học để đẩy lui lực lượng nổi dậy. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng cảnh báo Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sẽ gánh hậu quả nếu sử dụng thứ vũ khí hủy diệt này chống lại người dân. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã cáo buộc Mỹ và Châu Âu sử dụng thông tin về vũ khí hóa học để biện minh cho hành động can thiệp quân sự trong tương lai chống lại quốc gia Trung Đông này...
Những hỗ trợ mạnh mẽ cả về tiềm lực quân sự cũng như ngoại giao cho lực lượng nổi dậy tại Syria của Mỹ và đồng minh Châu Âu không nhanh chóng mang lại mong muốn là lật đổ chế độ hiện hành tại Syria. Do đó chiêu bài "vũ khí hóa học" - từng thành công tại Iraq - dường như là một lựa chọn tiếp theo cho Syria. Một cuộc chuyển quân với nhiều khí tài đã được đẩy tới, áp sát biên giới Syria. Ngày 7-12, Nội các Hà Lan đã nhất trí triển khai hai hệ thống tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Patriot của Mỹ cũng đã được triển khai trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Cùng thời gian này, đội tàu tấn công hạt nhân đa năng của Hải quân Mỹ do tàu sây bay USS Dwight Eisenhower dẫn đầu đã đến vùng biển phía Đông Địa Trung Hải và hiện neo đậu ở cự ly thích hợp cho một đòn tấn công trực diện vào Syria. Dĩ nhiên một động thái như vậy không nhận được sự ủng hộ từ Nga. Ngày 7-12, phái viên Nga tại NATO Alexander Grushkho đã lên tiếng rằng triển khai tên lửa phòng không tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria là một dấu hiệu của NATO dính líu đến cuộc khủng hoảng Syria và Nga nhìn thấy nguy cơ NATO can dự sâu hơn vào tình hình Syria...
Với Mátxcơva thì Syria như một phần an ninh quốc gia của nước này và là "một giới hạn đỏ" không thể bị vi phạm. Thực tế Nga đã luôn sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để từ chối mọi yêu cầu can thiệp vào Syria và chỉ rõ, bất kỳ nỗ lực nào phá vỡ tính hợp pháp quốc tế sẽ phải đối mặt với sức mạnh quân sự. Do đó, trước những bước đi của Mỹ và NATO, Mátxcơva cũng tỏ ra không chậm trễ. Ngày 7-12, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang LB Nga đã lệnh cho nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Hắc Hải chưa rời khu vực đang neo đậu tại Địa Trung Hải cho đến khi có lệnh đặc biệt mới. Trước đó, tên lửa đất đối đất Alexandre của Nga có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không - đầu đạn của nó có khả năng phá hủy mạnh hơn cả Patriot - đã được chuyển giao cho Syria...
Con số do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố, ngày 8-12, cho thấy hơn 63.000 người tị nạn Syria đã chạy sang nước láng giềng Iraq để tránh cuộc xung đột là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã hiện hữu. Trong bối cảnh hiện nay, chưa thấy bất kỳ hy vọng nào. Lợi ích của các bên "tham chiến" tại Syria đang dự báo một thời kỳ khó khăn mới trên bản đồ chính trị tại Địa Trung Hải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.