Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở lối phát triển công nghiệp văn hóa

Yên Nga| 05/11/2017 07:14

(HNM) - Nghệ thuật là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển nền công nghiệp văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngành nghề này luôn gặp khó khăn về nhân lực, nhất là các môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đặc thù.

Tình trạng thiếu diễn viên trẻ tài năng, tâm huyết với nghề là nỗi lo chung của nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Linh Ngọc


Gian nan khâu tuyển sinh

Nhiều năm nay, Khoa Kịch hát dân tộc (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) luôn trong tình trạng khó tuyển sinh. Lượng thí sinh đăng ký dự thi đã ít, số vượt qua được những yêu cầu tuyển chọn năng khiếu khắt khe lại càng ít hơn. Mùa tuyển sinh năm học 2017-2018, chỉ tiêu cho mỗi môn diễn viên chèo, diễn viên tuồng, diễn viên cải lương, múa rối và nhạc công của khoa là 15 sinh viên/lớp.

Thế nhưng, chỉ có môn diễn viên cải lương đạt chỉ tiêu, còn môn diễn viên chèo chỉ tuyển được 14 sinh viên, môn diễn viên múa rối tuyển được 10 sinh viên và môn nhạc công kịch hát truyền thống không tuyển được, vì chỉ có 1-2 thí sinh đăng ký...

Tương tự, trong 150 suất đào tạo năm nay, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam chỉ đạt chỉ tiêu tuyển sinh bộ môn múa dân tộc, còn các bộ môn kịch múa, ballet, huấn luyện, biên đạo đều không tuyển sinh đủ. Ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như biểu diễn nhạc cụ đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu và các môn đặc thù: Biểu diễn violon, cello… khó tuyển đủ học sinh, sinh viên cho mỗi khóa. Đây cũng là thực trạng chung tại 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý và các trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật tại các địa phương.

Về nguyên nhân của tình trạng “đốt đuốc” tìm người để đào tạo, NSND Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam phân tích: “Nghề múa đòi hỏi phải đào tạo lâu dài, từ khi các em còn nhỏ, khi đó, hầu hết các gia đình chưa xác định nghề cho con. Rồi, đầu ra cho các diễn viên múa khá mông lung. Trong khi đó, biểu diễn múa, xiếc và nhiều ngành đặc thù khác phải khổ luyện, tuổi nghề lại rất ngắn, chỉ 3-5 năm là hết đỉnh cao”.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành, Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, các bạn trẻ (đối tượng tuyển sinh), còn chưa hiểu kỹ về nghệ thuật truyền thống, chưa yêu, chưa ngấm và vì thế đã không chọn theo đuổi kịch hát dân tộc.

Thực tế, nhu cầu nhân lực của các đơn vị nghệ thuật công lập và tư nhân đều lớn, song yêu cầu chất lượng và sự phù hợp vẫn quyết định hàng đầu. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Một thực tế trong ngành xiếc hiện nay là công tác đào tạo và biểu diễn chưa “bắt” được với nhau. Việc đào tạo trong các trường phần lớn theo khuôn mẫu, trong khi đời sống biểu diễn có những yêu cầu khác biệt và sáng tạo hơn”.

Mỗi khi có một dự án hay chương trình nghệ thuật lớn, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải trầy trật chọn lựa diễn viên, thường "tặc lưỡi" dùng những gương mặt quen, bởi diễn viên mới thì nhiều nhưng tài năng thì khá hiếm.

“Người có tố chất sức khỏe và hình thể lý tưởng biểu diễn cho xiếc không mấy ai chọn con đường có tuổi nghề ngắn ngủi, tập luyện gian khổ và đối diện với nhiều nguy hiểm như xiếc” - NSND Tạ Duy Ánh tâm sự.

Lối mở để phát triển

Một buổi diễn tập của sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Minh Hiếu


Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã khẳng định đối tượng trọng tâm khai thác là các môn nghệ thuật chất lượng cao, nghệ thuật đặc thù.

Thạc sĩ Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho rằng: “Thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa của mỗi quốc gia là các giá trị đặc sắc, riêng có của dân tộc. Có thể đầu tư ban đầu cho đào tạo như việc tuyển sinh, nâng cao trình độ giảng viên, trang bị cơ sở vật chất… khá lớn, nhưng bù lại, chính lực lượng được đào tạo bài bản, có trình độ sẽ tỏa về những đơn vị nghệ thuật, cống hiến, phục vụ công chúng và du khách, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ”.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây, về việc Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực như một lối mở cho những khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật gặp phải.

Phó Thủ tướng đã đồng ý, trước mắt đặt hàng khoảng 300 chỉ tiêu cho 11 chuyên ngành như sáng tác âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, chỉ huy hợp xướng, hội họa, điêu khắc, biểu diễn kịch múa, biểu diễn múa dân gian, biểu diễn chèo, biểu diễn tuồng, biểu diễn cải lương, biểu diễn ca kịch Huế, xiếc và tạp kỹ.

Theo NSND Nguyễn Văn Quang, cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù sẽ khuyến khích nhiều đối tượng tham gia tuyển sinh, bảo đảm số lượng và chất lượng diễn viên sau khi ra trường. Trường Cao đẳng Múa Việt Nam sẽ tập trung vào đào tạo diễn viên kịch múa và biên đạo, với tiêu chí tuyển sinh đào tạo khắt khe hơn, chương trình đào tạo chuẩn mực và thực tiễn hơn.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Trí Thành, cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống là rất kịp thời, bởi chỉ một vài năm nữa, nhiều bộ môn không có thế hệ kế thừa sẽ mai một. Khi đó, việc tập trung khơi dậy, bảo tồn khó khăn hơn nhiều.

Cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo đang là một lối mở cho công tác đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đặc thù. Song, hiệu quả hay không, mức độ đóng góp như thế nào đối với sự phát triển văn hóa và xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập phụ thuộc nhiều vào sự tâm huyết của các trường, sự mạnh dạn dấn thân vào con đường đầy gian truân của lớp trẻ hôm nay.

Thạc sĩ Trần Vũ Hoàng (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) cho rằng, để công tác đặt hàng đào tạo “đúng”, “trúng” và hiệu quả, nên có sự “ngồi lại” giữa các bên: Cơ quan nghiên cứu phát triển nghệ thuật, cơ sở đào tạo, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập và tư nhân để có thể đưa ra những tiêu chí, yêu cầu và nhu cầu phù hợp trong đào tạo nghệ sĩ từng chuyên ngành.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lối phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.