Văn hóa

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh: “Sân khấu với tôi là thánh đường”

Bảo Sơn 02/01/2024 - 14:36

Không chỉ thành công với nhiều vai diễn như Hamlet, Đam San, Từ Hải, Trần Thủ Độ..., Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tạ Tuấn Minh (Phó Trưởng Đoàn diễn cổ điển, Nhà hát Kịch Việt Nam) còn thành công trong vai trò đạo diễn khi anh giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020 với vở “Người tốt nhà số 5”.

Mới đây, tài năng của anh một lần nữa được khẳng định khi vở kịch “Bóng rối” của tác giả Vũ Hoàng Hoa do anh đạo diễn được công diễn nhiều lần tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

638391115058169093-z5007637.jpg

1. Trong một tối mùa đông rét mướt, có mặt tại Nhà hát Kịch Việt Nam để xem vở “Bóng rối”, tôi bất ngờ khi thấy khán phòng chật kín khán giả. Có những ánh mắt tò mò, những tràng pháo tay không ngớt, giọng cười phá lên vì chi tiết gây cười và cả những giọt nước mắt...

Đứng trên tầng 2 quan sát sự vào vai của diễn viên và sự chăm chú của khán giả, đạo diễn Tạ Tuấn Minh nở nụ cười mãn nguyện. Bởi trước đó, “Bóng rối” được đánh giá là vở diễn khó với nhiều chi tiết phức tạp, thậm chí có người nói nó không thể diễn tại Việt Nam bởi tác giả là người có tư duy kịch hiện đại của nước ngoài. Thế nhưng, Tạ Tuấn Minh đã mang đến “đời sống” mới cho vở diễn, khiến vở gần gũi, thuần Việt.

Có được thành công hôm nay, NSƯT Tạ Tuấn Minh không quên nhớ về những tháng ngày đầy khó khăn, chật vật trước kia. Thời điểm vợ chồng anh mới cưới nhau, vợ anh vừa nghỉ việc ở Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, cuộc sống gia đình khá vất vả khi phải thuê nhà trọ. Khi anh chị có cháu đầu, anh không may bị tai nạn, phải nằm điều trị lâu dài nên cả nhà về ở cùng ông bà nội suốt 10 năm trong căn nhà chật chội chỉ chừng 20 mét vuông ở phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội). Mãi đến năm 2011, vợ anh mới xin được về Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi anh cũng dần bình phục để có thể đi diễn trở lại được. Nhớ lại quãng thời gian đó, đạo diễn Tạ Tuấn Minh chia sẻ: "Cuộc đời con người luôn phải trải qua những thử thách. Có thử thách thì mới có thể rèn luyện ý chí vươn lên”.

2. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh có tình yêu mãnh liệt với sân khấu. Anh từng nhiều lần chia sẻ với báo giới rằng sân khấu đối với anh là thánh đường. Anh luôn tâm niệm đêm diễn nào cũng là đêm diễn cuối cùng của mình, phải diễn thật tốt vì biết đâu khán giả chỉ xem một đêm đó thôi. Điều tình cờ thú vị là anh luôn được các đạo diễn gửi gắm những vai nhân vật lịch sử như Hamlet, Trần Thủ Độ - những vai diễn đủ sức thách thức bất cứ diễn viên nào. Theo anh, để vào vai nhân vật lịch sử, trước tiên diễn viên phải đọc, tìm hiểu về nhân vật mình thủ vai một cách kỹ lưỡng và không được nói sai, diễn sai sự kiện, chi tiết... Nhưng anh cũng khẳng định, diễn viên có thể “phiêu”, có thể xây dựng cho nhân vật những thói quen và hành động khác lạ để người xem không cảm thấy nhàm chán, nhưng "phiêu" gì thì cũng phải dựa trên khuôn khổ, chuẩn mực.

638391115059573237-38553884.jpg
NSƯT Tạ Tuấn Minh trong vai Thái sư Trần Thủ Độ.

Chia sẻ về vai diễn Trần Thủ Độ trong vở “Thiên mệnh” của tác giả Hoàng Thanh Du (đạo diễn NSƯT Đỗ Kỷ), Tạ Tuấn Minh cho biết, đây là vai có diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Thủ vai với sự đạo mạo, uy nghi, đầy cương quyết cùng cách vào vai xuất thần, Tạ Tuấn Minh đã làm “sống lại” nhân vật Trần Thủ Độ trên sân khấu hiện đại hôm nay để khán giả vừa thấy gần gũi, vừa thấy cuốn hút trước một câu chuyện lịch sử. Đặc biệt, những tư tưởng của nhân vật Trần Thủ Độ chuyển tải trong tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa với hôm nay, khi kỷ cương phép nước phải được giữ gìn, không thể bị phá vỡ bởi bất cứ lý do gì hoặc bất kỳ một ai.

Khi đã có những vai diễn gây ấn tượng với công chúng, Tạ Tuấn Minh lấn sân sang đạo diễn - nghề được coi là tổng hòa của các loại hình nghệ thuật. Cuối năm 2020, anh giành giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” trong Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV với vở diễn đầu tay “Người tốt nhà số 5”. Đây được coi là minh chứng rõ rệt nhất cho bước tiến của anh trên vai trò mới. Trong vở diễn này, Tạ Tuấn Minh đã có sự đồng cảm với cuộc sống nghèo khó của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh lúc sinh thời cũng như đồng cảm với nhân vật Hiệp để rồi anh đẩy tư tưởng vở kịch lên cao trào, đó là sự trăn trở về lòng tốt của con người hôm nay.

3. Bên cạnh công việc sân khấu, Tạ Tuấn Minh còn tìm đến thơ ca và coi đó như một quãng nghỉ của tâm hồn. Anh không có ý định trở thành nhà thơ, nhưng công việc sân khấu với những nhọc nhằn trên hành trình sáng tạo đã khiến ý thơ “bật” lên bất ngờ. Với anh, làm thơ cũng như diễn kịch hay làm đạo diễn, tất cả phải tâm huyết, phải nói lên tiếng nói chân thành. Những bài thơ của anh đăng lên trang Facebook cá nhân luôn nhận được sự đón nhận của bạn bè. Một số bài thơ của anh còn được đưa vào trong khuông nhạc của các nhạc sĩ.

Là người đã phổ 3 bài thơ “Ước” (thành bài hát “Điều bình dị”), “Bài ca không tên” (bài hát “Thương lắm Hà Nội ơi”), “Dặn con” của đạo diễn Tạ Tuấn Minh, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang nhận xét: “Tạ Tuấn Minh làm khá nhiều thơ, thơ anh không bóng bẩy nhưng giàu cảm xúc, ai đọc xong cũng như thấy có mình trong đó. Do đặc thù của nghề đạo diễn, Tạ Tuấn Minh quen nhìn sự việc bằng con mắt bao quát, tìm tòi những góc cạnh của sự việc, cuộc sống. Bởi thế, thơ của anh “thật” như chính con người của anh vậy”.

Là thế hệ đạo diễn 8x, con đường sự nghiệp phía trước của Tạ Tuấn Minh còn rất dài, rất gian nan. Trăn trở khi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ mới ra trường được hưởng mức thu nhập rất thấp, phải làm nhiều nghề để mưu sinh, anh mong muốn, thời gian tới Nhà nước sẽ có thêm chính sách phù hợp với các nghệ sĩ để giấc mơ sân khấu của họ không bao giờ bị dập tắt trong nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Gần 30 năm đến với nghề diễn, dẫu nhiều nhọc nhằn, gian khó nhưng Tạ Tuấn Minh luôn cảm thấy hạnh phúc khi được theo nghề, bởi khi đó anh được sống với chính mình.

Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh từng giành một số giải thưởng như Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 với vở “Chia tay hoàng hôn”: Giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong Tuần lễ Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN năm 2014 với vở “Chuyện chàng dũng sĩ”; Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ 2 - năm 2015 với vở “Trong mưa dông thấy nắng”; Huy chương Bạc Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 với vở “Lâu đài cát”; Huy chương Vàng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 - năm 2016 với vở “Hamlet”... Năm 2019, anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh: “Sân khấu với tôi là thánh đường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.