(HNMCT) - Đã hơn 1 tháng kể từ ngày đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam với ca dương tính đầu tiên sau 99 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng - bệnh nhân số 416 được phát hiện ở thành phố Đà Nẵng ngày 24-7.
Dễ thấy “làn sóng Covid thứ hai” phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với đợt dịch thứ nhất, khi số ca dương tính với virút SARS-CoV-2 tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 7, nửa đầu tháng 8 vừa qua, đặc biệt là chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có tới 27 trường hợp tử vong, trong khi cả 6 tháng của đợt dịch đầu không có ca nào! Đã xuất hiện những ổ dịch mới trong cộng đồng, không chỉ ở Đà Nẵng. Đã xuất hiện những ca dương tính sau vài lần xét nghiệm cho kết quả âm tính. Cá biệt là đã có ca tái dương tính sau một thời gian dài được xác nhận âm tính, khỏi bệnh… Đáng nói là trong số những ca tử vong có nguyên nhân do Covid-19 ở Việt Nam vừa qua có một số trường hợp ở độ tuổi mới trên dưới 50 nhưng mắc khá nhiều bệnh nền ở mức độ nghiêm trọng, thậm chí có người mới chỉ 37 tuổi…
Cũng thật may là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch, với các biện pháp khoanh vùng, dập dịch quyết liệt mà đến thời điểm này số ca nhiễm dường như đã có chiều hướng thuyên giảm, từ chỗ lúc cao trào mỗi ngày có hàng chục ca dương tính mới thì nay chỉ còn vài ca/ngày.
Như đã nói, dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, và chủ trương đã được xác định ngay từ đầu là “chống dịch như chống giặc”. Thế nhưng, một điều dễ nhận thấy ở đợt bùng phát dịch thứ hai này, đó là dường như trong ý thức phòng, chống dịch ở một số nơi, của không ít người, lại thể hiện rõ sự chủ quan, buông thả. Đơn cử như không ít người mặc dù trở về từ vùng dịch nhưng sau đó vẫn đi lại, giao tiếp, tụ tập ăn uống..., bất chấp cảnh báo của ngành Y tế cũng như các cơ quan chức năng. Hậu quả là đã hình thành những ổ dịch mới, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Cách đây ít ngày, dư luận đã bày tỏ bức xúc trước thông tin phó chủ tịch một phường ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) tổ chức tiệc sinh nhật ngay tại… khu cách ly. Tại Hà Nội cũng không khó để bắt gặp tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, quán xá không chấp hành quy định phòng dịch… Mới nhất là những hình ảnh người dân nườm nượp đổ về lễ phủ Tây Hồ trong ngày 19-8, tức mùng 1 tháng Bảy âm lịch. Ai cũng biết mục đích đi lễ để cầu an, thế nhưng việc tụ tập đông người nơi công cộng, không đảm bảo giãn cách cũng như các quy định phòng dịch khác như vậy chắc chắn sẽ gieo sự bất an trong cộng đồng!
3/4 thời gian của năm 2020 đã qua đi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong 9 tháng qua người Việt Nam cũng như cả thế giới đã phải quyết liệt chiến đấu với 2 đợt bùng phát dịch vô cùng nguy hiểm. Giới khoa học đã cảnh báo rất có thể cơn đại dịch khủng khiếp của thế kỷ XXI này không chỉ dừng ở con số 2 đợt dịch, mà nhiều khả năng nhân loại còn phải đối phó với những “làn sóng” dịch nữa, phức tạp, khó lường hơn…
Để vượt qua dịch bệnh, chiến thắng “giặc” Covid-19, không có cách nào khác là công tác phòng, chống dịch bệnh luôn phải được đặt lên hàng đầu. Cho dù chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, song phải xác định “chống dịch như chống giặc”, không được phép chủ quan, lơi là. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch của người dân bằng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và thực hiện nghiêm các chế tài.
Một vấn đề nữa, những ngày đối mặt với đại dịch cũng là cơ hội để mỗi người nhìn nhận, kiểm điểm mình, từ đó thay đổi theo hướng tích cực. Hiểu một cách đơn giản là từ bỏ những thói quen mang tính bản năng, vị kỷ…, thay bằng một nếp nghĩ, lối sống vì mọi người. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để chúng ta rà soát sức khỏe bản thân, điều chỉnh thói quen ăn uống, vận động, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện thể lực nhằm nâng cao sức đề kháng và khả năng ứng phó trước dịch giã, thiên tai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.