Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạc quan nhưng không được chủ quan

Bảo Hân| 13/08/2022 07:43

(HNM) - Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao, các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ từ cuối năm 2021, các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2022 lên 7,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các dự báo về nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế khác như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... đưa ra.

Theo một số chuyên gia kinh tế trong nước, đây cũng là lần hiếm hoi trong nhiều năm qua, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam được các tổ chức quốc tế lớn đưa ra cao hơn so với mục tiêu kỳ vọng (Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 đạt 6-6,5%). Đồng thời là mức dự báo có cơ sở, dựa vào những động lực cho tăng trưởng kinh tế từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đã phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, đi cùng với sự lạc quan, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước còn e ngại về các rủi ro, thử thách nền kinh tế phải đương đầu là lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt lao động và biến chủng mới của Covid-19 có thể gây ra các đợt dịch, cản trở sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng như Việt Nam...

Điều đó có nghĩa, đi cùng lạc quan không được chủ quan với rủi ro, phải tiếp tục cẩn trọng đối phó. Trong đó, bên cạnh việc không để dịch bệnh bùng phát trở lại, luôn phải có sự điều hành linh hoạt để vừa kiểm soát tốt lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, vừa tận dụng tối đa các dư địa phát triển. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã nhất quán với quan điểm này và rõ ràng đây là việc cần luôn được thực hiện xuyên suốt ở các cấp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạc quan nhưng không được chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.