(HNMO) - Chiều 8-5, tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tuyên bố của WHO không có nghĩa là Covid-19 đã chấm dứt và người dân không được chủ quan.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, vi rút SARS-CoV-2 vẫn luôn thay đổi, khi vào đầu tháng 5 vừa qua, WHO công bố có 900 biến thể của Omicron. Do đó, đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu và chưa kết thúc. Trên thế giới vẫn có những làn sóng dịch mới, có khu vực giảm, có nơi lại tăng. Như tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, số ca bệnh tăng khi ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
“Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới nhằm quản lý bền vững dịch bệnh. Kế hoạch này gồm các nội dung vừa củng cố vừa tăng cường, lồng ghép giám sát có trọng điểm và thường xuyên. Biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiện nay vẫn là tiếp tục thực hiện 2K + vắc xin cùng với thuốc điều trị, ý thức người dân. Mục đích là hạn chế lây lan, giảm bệnh nhân nặng nhập viện”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Trao đổi với báo chí, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, việc WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Covid-19 trên toàn cầu không có nghĩa là Covid-19 chấm dứt hay bớt nguy hiểm hơn.
“Covid-19 vẫn còn là bệnh mới. Chúng ta mới có 4 năm làm quen với căn bệnh này, trong khi các chuyên gia trên thế giới đã có hàng chục năm nghiên cứu về cúm mùa. Đây chưa phải là lúc để nghỉ ngơi mà vẫn phải đề cao cảnh giác và có biện pháp phòng, chống phù hợp. Việt Nam cần duy trì thành quả đã đạt được trong thời gian qua và chuẩn bị nguồn lực, vật lực, sẵn sàng khi tình hình thay đổi; đồng thời cần đưa vắc xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng”, bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thời gian tới, ngành Y tế sẽ lồng ghép tiêm phòng vắc xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tổ chức tiêm sẽ không liên tục, thường xuyên như trước đây, mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế khoảng 3-4 buổi/tháng.
“Việc tiêm bổ sung, nhắc lại trong thời gian tới đây là hết sức cần thiết. Hiện, Việt Nam có đủ vắc xin AstraZeneca ở các địa điểm tiêm, phù hợp tiêm cho tất cả đối tượng đã từng tiêm vắc xin cùng loại hoặc các vắc xin khác. WHO cũng khuyến cáo cần tập trung tiêm cho nhóm nguy cơ cao (người già, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...)”, bà Dương Thị Hồng lưu ý.
Về tình hình điều trị Covid-19, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 4-2023 đến nay, tất cả ca bệnh tử vong chủ yếu ở người cao tuổi, bệnh nền, không phát hiện tử vong ở người trẻ tuổi. Song, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại bệnh viện là 0,47%, cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác (0,09%), do vậy, người dân không được chủ quan.
Để giảm số ca tử vong, ông Nguyễn Trọng Khoa lưu ý, cần tiếp tục cảnh giác, phát hiện sớm trường hợp bệnh, nâng cao năng lực hệ thống hồi sức, đồng thời hạn chế lây nhiễm chéo và tuân thủ việc đeo khẩu trang tại bệnh viện.
Trước đó, vào tối 5-5, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan y tế Liên hợp quốc cho biết, quyết định này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ông cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.