Góc nhìn

Không để đất bị bỏ hoang

Gia Khánh 01/09/2023 - 06:45

Ngày 30-8 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã làm việc với UBND quận Thanh Xuân, nghe báo cáo và kiến nghị xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn.

Theo báo cáo rà soát, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 26 dự án, trong đó 1 dự án đã có quyết định thu hồi, 2 dự án được gia hạn, 3 dự án đã thực hiện xong hoặc được điều chỉnh sang dự án khác, 4 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang triển khai hoặc xây dựng một phần nhưng đến nay chủ đầu tư dừng thực hiện...

Thực tế, thành phố Hà Nội đang quyết liệt rà soát, xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai. Đích thân đồng chí Trần Sỹ Thanh đã làm việc với các quận, huyện, thị xã để nghe báo cáo, kiến nghị xử lý vấn đề này.

Thông tin tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội tháng 7-2023 cho thấy, thành phố đã rà soát tổng cộng 712 dự án chậm triển khai, với tổng diện tích đất hơn 5.000ha. Qua rà soát, thành phố giảm được 419 dự án (tương đương 60% tổng dự án chậm triển khai). Gần 300 dự án còn lại cần tiếp tục xử lý, gồm 50 dự án chưa giao đất, 150 dự án đã giao đất cần hậu kiểm, giám sát xử lý…

Dự án chậm triển khai gây ra nhiều hệ lụy, mà hệ lụy lớn nhất là đất bị bỏ hoang, không được sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực, làm mất mỹ quan đô thị. Càng nghịch lý khi nhiều nơi, người dân thiếu trường học, công viên, vườn hoa, nhà văn hóa.

Nguyên nhân chậm trễ có cả khách quan và chủ quan, như nhà đầu tư gặp khó khăn, thiếu nguồn lực; nhà đầu tư năng lực kém nhận dự án xong không chịu triển khai; dự án vướng về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng…

Việc thu hồi dự án cũng rất phức tạp do cơ chế, chính sách, khung pháp lý chưa đồng bộ và quan trọng hơn là chính quyền địa phương có thực sự quyết tâm hay không. Vì thế, dư luận luôn quan tâm và kỳ vọng vào động thái rà soát, xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai của thành phố Hà Nội.

Từ những nguyên nhân đã chỉ ra, có thể thấy, việc xử lý dự án chậm triển khai phải được thực hiện đồng bộ. Trước hết là việc rà soát, phân loại dự án chậm triển khai phải cụ thể, chính xác. Dự án chậm do vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng thì chính quyền địa phương phải vào cuộc tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Như có đại biểu HĐND thành phố đã từng phát biểu, nếu lãnh đạo địa phương không quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng thì đến... 10 nhiệm kỳ cũng không xong.

Qua rà soát, nhà đầu tư gặp khó khăn ở đâu, địa phương, sở, ngành vào cuộc, gỡ khó ở đó. Nhà đầu tư thực sự tích cực, có đủ năng lực nhưng vướng về thủ tục, về quản lý thì phải quan tâm hỗ trợ, giúp họ đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án.

Doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khởi công, đưa sản phẩm ra thị trường… chính là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách thành phố.

Ngược lại, nhà đầu tư cố tình chậm trễ, yếu kém, không đủ năng lực, vi phạm quy định thì phải kiên quyết thu hồi dự án. Không thể để đất bỏ hoang, lãng phí nguồn lực xã hội, gây bức xúc dư luận.

Làm việc với quận Thanh Xuân, đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu địa phương tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, giúp chủ đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động, đồng thời kiên quyết thu hồi dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm.

Cùng với đó, phải thường xuyên, liên tục rà soát, giám sát, xử lý dự án chậm triển khai trên tinh thần bảo đảm quy định pháp luật, hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây cũng là tinh thần chung với cả thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để đất bị bỏ hoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.