Theo dõi Báo Hànộimới trên

IPU sẽ giúp các nước đang có xung đột tìm được hòa bình

Theo Lao động| 28/03/2015 17:29

Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) diễn ra từ ngày 28.3 - 1.4.2015 tại Hà Nội. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Jemini Pandya, Giám đốc truyền thông IPU - người phát ngôn của IPU (ảnh) trước phiên khai mạc diễn ra.



Bà Jemini Pandya cho biết: Được thành lập năm 1889 tại Paris, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) và có văn phòng thường trực ở Mỹ, Liên minh nghị viện thế giới là một tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 160 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước.

Thưa bà, đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU - 132, vậy bà có kỳ vọng gì vào kết quả của đại hội đồng lần này?

- Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của QH. Việc đăng cai tổ chức không chỉ góp phần mở rộng và nâng cao mối quan hệ hợp tác với nghị viện các nước, cùng tham khảo, chia sẻ quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu mà còn góp phần nâng cao vị thế của QH Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Đại hội đồng IPU - 132 sẽ thảo luận chủ đề chung là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, và dự kiến sẽ thông qua các dự thảo nghị quyết chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu. Nghị quyết định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước. Nghị quyết về luật phapt quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người. Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp. Nghị quyết về chủ đề khủng bố...

Qua Đại hội đồng IPU - 132 lần này thì các đại biểu Quốc hội của Việt Nam cũng như các nghị sĩ của các nước trong IPU có thể chia sẻ được những kinh nghiệm gì?


- Tôi cho rằng, Liên minh nghị viện thế giới IPU như là một mái nhà chung, tất cả các thành viên nghị viện có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về tất cả các vấn đề. Ví dụ các nước mà gặp những vấn đề giống nhau chưa tìm được cách giải quyết thì có thể đoàn kết để trao đổi và tìm ra hướng giải quyết, hỗ trợ lẫn nhau. Một vấn đề quan trọng hơn cả, IPU sẽ là nơi để nghị viện các nước đang trong tình trạng chiến tranh, bất đồng gặp được nhau trong khi chính phủ của các nước này khó có thể ngồi với nhau. Qua các buổi gặp, các đại biểu quốc hội sẽ cùng thảo luận, tìm cách giải quyết vấn đề xung đột lập lại hòa bình cho đất nước. Và một trong giải pháp hòa bình của IPU là thông qua đối thoại, thông qua thảo luận để giải quyết các xung đột.

Đến Việt Nam lần này bà có cảm nhận như thế nào về đất nước và con người nơi đây?

- Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi đã từng luôn mong muốn được đến thăm đất nước của bạn và tôi rất hạnh phúc khi mình đã thực hiện được điều đó. Đất nước của bạn thật tươi đẹp, với những con người đáng mến, tôi ước trời đừng mưa nhiều quá để tôi có thể ngắm nhìn Hà Nội dưới ánh nắng mặt trời. Tôi rất ấn tượng với QH và các cơ quan của Việt Nam, mọi người làm việc rất nỗ lực, hợp tác. Tôi cũng biết rằng, còn nhiều việc cần phải làm nhưng tin rằng với sự nỗ lực cao của các thành viên, Đại hội đồng IPU 132 sẽ thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
IPU sẽ giúp các nước đang có xung đột tìm được hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.