Chính trị

Tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội: Tạo dựng cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng

Hà Vũ - Hương Ly. Ảnh: Viết Thành 28/03/2024 09:19

Sáng 28-3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

img_8031.jpeg
Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội; đại diện cán bộ, đảng viên... với tổng số hơn 11.000 đại biểu tại 503 điểm cầu.

Đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới tại Thủ đô Hà Nội cho biết, nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới có tầm quan trọng rất đặc biệt để nhìn nhận chặng đường đã qua, rút ra những bài học để kế thừa và tiếp tục đường lối, chủ trương trong giai đoạn tiếp theo. Yêu cầu thực hiện đổi mới như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đây là nguyên tắc rất quan trọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế và lý luận. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam và giao các cơ quan, đơn vị và địa phương tham gia tổng kết, trong đó có Hà Nội.

img_8032.jpeg
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết của thành phố, phân công nhiệm vụ thành viên; thành lập các Nhóm tổng kết, Tổ biên tập và giao nhiệm vụ cho các nhóm xây dựng Báo cáo chuyên đề để tổng hợp thành Báo cáo tổng kết chung. Sau một thời gian thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo tổng kết của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng Báo cáo của cả 8 chuyên đề, bao gồm cả Chuyên đề 01 về Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã hoàn thiện và ban hành Báo cáo số 558-BC/TU ngày 27-3-2024 tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (dài 120 trang).

img_8030.jpeg
Toàn cảnh hội nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Báo cáo tổng kết đã đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về nhận thức của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới; về những thành tựu; chỉ ra những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; rút ra 8 bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, đề xuất quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

“Đây cũng là tài liệu để thành phố Hà Nội tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Những “điểm sáng” của Thủ đô sau gần 40 năm đổi mới

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới ở Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua 40 năm thực hiện con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô Hà Nội được thể hiện tập trung trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội từ khóa X đến khóa XVII.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội là không dài; song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Sau gần 40 năm đổi mới, trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ…

a-phong-.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn.

Từ vị trí phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển; đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…

Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra 3 nhóm hạn chế, khuyết điểm mà thành phố nhận định cần tập trung giải quyết, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa xứng tầm yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Để tiếp tục phát triển bền vững, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Thủ đô trong từng giai đoạn. Thành phố cũng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới…

Thành phố đề xuất, kiến nghị 9 nhóm vấn đề với Trung ương. Trong đó, có nghiên cứu sâu và cụ thể, xác định rõ các tiêu chí về tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam, về các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; tiếp tục nghiên cứu những tiêu chí cụ thể của con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…

Thành phố cũng đề xuất tiếp tục làm sáng tỏ lý luận về Đảng cầm quyền để thực sự đổi mới trong thực tiễn, tạo động lực cho quá trình đổi mới.

Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới vào điều kiện cụ thể

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã có nhiều bài tham luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực trong quá trình đổi mới của Thủ đô gần 40 năm qua.

Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Phạm Thanh Hùng, Hà Nội có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng, Thủ đô luôn phải đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Công an thành phố đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của thành phố, qua đó giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

cong-an-.jpg
Phó Giám đốc Công an thành phố Phạm Thanh Hùng phát biểu

Từ thực tiễn, Công an thành phố đúc rút 5 bài học kinh nghiệm nhằm bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia trên địa bàn thành phố. Đó là chủ động tham mưu Thành ủy để thể chế hoá, gắn trách nhiệm của người đứng đầu và quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong xử lý các vấn đề an ninh, trật tự tại địa phương. Công an thành phố quán triệt sâu sắc tinh thần an ninh chủ động, không đi sau tội phạm, không ngừng nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, dự báo tình hình nhằm ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật...

PGS, TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới. Theo đại biểu, văn hóa phải là động lực phát triển của Hà Nội, bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước.

bui-nhat-quang.jpg
PGS,TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Văn hoá lúc này sẽ không chỉ ở góc độ tinh thần, mà còn trở thành lượng lớn vật chất để giúp Thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả phát triển cao hơn, bền vững hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để Hà Nội hiện thực hoá mục tiêu từ năm 2030 đến năm 2045 trở thành một thủ đô phát triển theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, có thu nhập cao.

Trung Tướng Trần Ngọc Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về quân sự, quốc phòng trên địa bàn thành phố; thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, tham mưu xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành và các địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng khu vực phòng thủ thành phố; tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá nhằm xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh.

khen-t1.jpg
khen-t2-.jpg
Các đồng chí Thường trực Thành uỷ trao Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội

Nhận thức rõ về tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng vũ trang thủ đô sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng khu vực phòng thủ của thành phố, chấp hành nghiêm túc các chế độ sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện…, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh.

Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội.

Tạo dựng cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội khẳng định, hội nghị đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và đáp ứng cơ bản theo yêu cầu. Các ý kiến phát biểu đều rất tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, gợi mở nhiều vấn đề cho Ban Chỉ đạo Tổng kết của thành phố tiếp thu, hoàn thiện một bước nữa bản Báo cáo tổng kết để gửi lên Ban Chỉ đạo Trung ương.

t1n.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội kết luận hội nghị.

Đồng chí nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo tổng kết của thành phố, với tinh thần trách nhiệm cao đã cố gắng trong một thời gian không nhiều hoàn thành bản Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với chất lượng tốt, đảm bảo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; được các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những mặt tích cực là cơ bản, cũng còn không ít hạn chế, tồn tại, cũng như đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới như đã nêu trong 3 nhóm tồn tại, hạn chế của Báo cáo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra rằng, trong bối cảnh mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo cáo Tổng kết đã đề xuất, kiến nghị quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh... theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là: “Chủ nghĩa xã hội luôn luôn là mục tiêu lớn lao, lý tưởng cao đẹp của Đảng ta và nhân dân ta. Mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và công bằng cho mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội”.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Báo cáo tổng kết có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đánh giá một cách khách quan và khoa học mọi mặt công tác của thành phố qua 40 năm đổi mới; làm rõ được những kết quả, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; những yêu cầu, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ Thủ đô trong giai đoạn tới.

“Kết quả nghiên cứu của 8 chuyên đề và của Báo cáo tổng kết bước đầu đã tạo dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp thành phố Hà Nội trong công tác tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để kết quả của Báo cáo Tổng kết được lan tỏa mạnh mẽ hơn, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, làm tài liệu tham khảo cho các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan nghiên cứu”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ rõ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội: Tạo dựng cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.