(HNM) - Ngày 16-11, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chăm sóc và bảo vệ trẻ em, người yếu thế, người khuyết tật. Đồng thời, luật thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, trợ giúp những người có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý cũng như không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ pháp lý thông thường.
Một trong những đối tượng sẽ được TP Hà Nội chú trọng trợ giúp pháp lý nêu tại hội nghị là người khuyết tật. Theo thống kê, số người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội là 98.792 người. Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này, UBND TP Hà Nội yêu cầu, trong các năm 2017-2018, hoạt động trợ giúp pháp lý phải bám sát Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thức triển khai phải phù hợp với các dạng tật tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật; lồng ghép việc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các chương trình, đề án khác về người khuyết tật.
Mỗi năm, cơ quan chức năng thực hiện khảo sát từ 1.500 đến 2.000 người khuyết tật ở các khu vực khác nhau trên địa bàn và thực hiện từ 25 đến 30 đợt tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, pháp luật liên quan đến chính sách đối với người khuyết tật tại nơi ở, nơi làm việc của họ. Các hoạt động nêu trên phải xác định rõ cơ quan thực hiện, đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức về người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.