Đời sống

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Mai Hoa 06/03/2024 - 07:35

Thời gian qua, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù để chăm sóc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật. Những hoạt động thiết thực này đã góp phần tạo thêm động lực, giúp người khuyết tật phát huy năng lực, sở trường, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, đóng góp cho xã hội.

khuyet-tat.gif
Trẻ em vui chơi tại Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội). Ảnh: Hoa Mai

Nhiều chính sách hỗ trợ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 116.133 người khuyết tật. Thành phố bảo đảm người khuyết tật được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định, gồm: Trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật; đi xe buýt miễn phí; vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội... Những chính sách này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật. Nhiều người đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, thành phố đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Doanh số cho vay giải quyết việc làm từ năm 2021 đến 2023 là 7.103 tỷ đồng, trong đó có số lượng nhất định khách hàng vay là người khuyết tật… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người khuyết tật làm quen với tín dụng ngân hàng, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội còn phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật. Đáng chú ý, năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố trình HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND (ngày 6-12-2023) quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025. Sau khi nghị quyết được ban hành và triển khai thực hiện, dự kiến có 13.500 người khuyết tật nhẹ được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.

Nâng cao hiệu quả chăm sóc người khuyết tật

Là người đã có 31 năm gắn bó với công tác trợ giúp xã hội, trong đó có hơn 20 năm đồng hành cùng Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội Phùng Công Lợi chia sẻ: “Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 300 người khuyết tật, bao gồm cả người già và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết họ không có khả năng tự chăm sóc bản thân, không có nơi nương tựa nên rất thiếu thốn tình thân. Bên cạnh làm tốt công tác phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, chúng tôi còn cố gắng mang đến cho họ mái nhà chung, không khí ấm áp, thân thiết và gắn bó. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, cùng với chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương và thành phố, người khuyết tật tại trung tâm còn nhận được sự quan tâm và quà của Thành ủy, HĐND, UBND, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì nên rất phấn khởi; không khí đón Tết vui vẻ, đầm ấm”.

Nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa, thành phố Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội, bảo đảm hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đáng chú ý, bên cạnh các trung tâm công lập, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, thẩm định, cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ngoài công lập, mang đến cho người khuyết tật nhiều hơn nữa hoạt động trợ giúp, sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 15 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ngoài công lập đang hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Bùi Văn Tuấn, ngay trong những ngày đầu năm Giáp Thìn, nhiều hoạt động thiết thực đã được Hội triển khai. Đơn cử như việc tặng quà các em nhỏ bị nhiễm chất độc da; tặng quà trẻ khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học và những người bị dị tật tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội…

Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã và đang thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và thực tế là quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Người khuyết tật ngày càng dễ dàng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vượt khó vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.