(HNMCT) - Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được coi là “chìa khóa” để giải quyết nạn tranh nhái, tranh giả và tình trạng vi phạm bản quyền đáng báo động của Việt Nam hiện nay. Nhưng khi đi vào hoạt động thực tế, công tác này lại gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự góp sức của nhiều nguồn lực xã hội.
Đòi hỏi từ thực tế
Làng mỹ thuật, nhiếp ảnh ở ta hiện nay vẫn đang tồn tại những chuyện thật như đùa.
Mới đây, tại triển lãm ảnh ở Tiên Yên (Quảng Ninh), người xem phát hiện bức ảnh Cung bậc mang tên Đỗ Giang tại triển lãm thực ra lại là ảnh của bố anh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha chụp từ những năm 1970. Khi mang chuyện này ra chất vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha, người ta nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Bố con cho nhau một cái ảnh cũng không làm sao cả”! Câu chuyện này đã bổ sung thêm một ví dụ cho thấy nhận thức về vấn đề bản quyền ở một số nghệ sĩ Việt còn rất mơ hồ.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tình trạng rủ nhau đi sáng tác tập thể trở thành phong trào rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành, hội nghề nghiệp, dẫn tới việc ra đời hàng loạt những bức ảnh giống nhau về ý tưởng, bố cục. Việc đạo, nhái hay ăn cắp một số chi tiết của nhau bằng photoshop được coi là căn bệnh trầm kha từ cả chục năm nay, thậm chí leo vào cả những cuộc thi tầm cỡ quốc gia...
Ở lĩnh vực mỹ thuật, vấn đề tranh nhái, tranh giả vẫn là trở ngại chính trói chân thị trường này. Theo họa sĩ Thành Chương, hiện tượng tranh giả, tranh nhái xuất hiện cách đây khoảng 30 năm, từ khi các họa sĩ có thể bán được tranh, sống được nhờ nghề vẽ, và hiện nay đã ở mức báo động, tạo ra hình ảnh một nền mỹ thuật Việt Nam rất xấu xí, tồi tệ. Ngoài hiện tượng tranh nhái tràn lan trên thị trường, được bán với giá rẻ mạt thì việc làm tranh giả cũng ngày càng tinh vi hơn.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng những tác giả nổi tiếng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị làm giả tranh nhiều nhất và tinh vi nhất bởi tranh của họ có giá rất cao, được các nhà sưu tầm trên thế giới ưa chuộng. Cá biệt có tác giả như họa sĩ Bùi Xuân Phái có số lượng tranh giả gấp vài chục lần số tranh ông sáng tác trong cả cuộc đời.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Đã có không ít vụ tranh chấp bản quyền tranh, ảnh, mạo danh tác giả, sao chép tranh không đúng quy định, nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả xảy ra, tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đáng buồn những vụ việc này không chỉ xảy ra ở các cuộc đấu giá bán tranh, mà cả ở những triển lãm lớn với một số tác phẩm đã có giải thưởng.
Nói dễ, làm khó
Cách đây hơn 1 năm, vì quá bức xúc trước nạn tranh giả, tranh nhái, nhất là từ sau vụ việc toàn bộ 17 bức tranh trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh được xác định là tranh giả, nhiều họa sĩ đã kiến nghị phải sớm thành lập một đơn vị có chức năng giám định mỹ thuật, bảo vệ quyền tác giả. Thậm chí, nhiều họa sĩ, nhà phê bình khi đó đã tình nguyện “làm không công” với mục đích làm trong sạch thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam.
Tháng 12-2018, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chính thức đi vào hoạt động sau 8 tháng chuẩn bị. Cứ nghĩ với thực trạng trên, Trung tâm sẽ làm không hết việc, nhưng thực tế từ đó đến nay chưa có một hợp đồng giám định nào được thực hiện. Theo lãnh đạo Trung tâm, cũng có 7 trường hợp cá nhân mang tranh đến trung tâm nhờ giám định nhưng khi mới thẩm định bằng mắt thường, biết không phải là tranh thật họ đã xin mang tranh về! Điều này cho thấy tâm lý của những người chơi tranh nói chung còn khá dè dặt với hoạt động này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng tâm lý thiếu tin tưởng vào người thẩm định là có thật bởi hoạt động giám định rất phức tạp. Chẳng hạn vụ việc Những bức tranh trở về từ châu Âu kể trên, mặc dù toàn bộ số tranh đã được Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật kết luận là giả, song về phía nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn không thừa nhận kết luận của Hội đồng thẩm định vì cho rằng: “Hội đồng chưa đưa ra được lý do thuyết phục”.
Tình trạng không ai phục ai ở thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt cũng có nhiều lý do. Mà một trong những điều gây mất lòng tin nhất là tình trạng vi phạm bản quyền “lan sâu, bám rễ đến mức trầm kha”. Không chỉ trong đời sống hằng ngày, mà ngay cả ở nhiều cuộc thi, giải thưởng lớn, tranh ảnh đạo, nhái vẫn len lỏi, thậm chí đoạt giải cao.
Góp sức để thay đổi
Mặc dù đòi hỏi phân biệt tác phẩm thật giả hay chứng minh bản quyền là yêu cầu quan trọng song theo nhiều nhà nghiên cứu do thị trường mỹ thuật Việt vẫn còn non trẻ nên nhiều người muốn lợi dụng sự mập mờ để trục lợi hoặc họ không muốn phải tốn một khoản kinh phí khi chứng nhận của hội đồng giám định chưa phải là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động mua bán, trao đổi, trưng bày tác phẩm... Chính vì vậy việc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh “ế khách” là dễ hiểu. Thực tế hoạt động này cũng khiến cho việc xã hội hóa lĩnh vực giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh mặc dù đã có chủ trương từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tham gia.
Đánh giá của Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ rõ: “Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã khuyến khích, vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện hoạt động giám định tác phẩm theo thông lệ quốc tế nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra thực hiện. Để thành lập một đơn vị có chức năng giám định thì đơn giản nhưng để đầu tư một đơn vị có đầy đủ trang thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại để giám định mỹ thuật nhiếp ảnh thì không phải chuyện đơn giản bởi nó liên quan đến tài chính, đội ngũ chuyên gia về khoa học, công nghệ và các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi trong giới hội họa, đồ họa, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh”. Bởi vậy, mớ bùng nhùng thật giả vẫn quanh quẩn chưa thể nào giải quyết được.
“Nhưng chúng ta không thể nào vì khó khăn mà không làm. Máy móc thiết bị vài trăm nghìn đô la không phải là quá tầm của nhiều đơn vị, mà vấn đề còn là yếu tố tâm lý, con người, chính sách... Nếu chúng ta không giải quyết thì mãi mãi khó khăn vẫn cứ là khó khăn”, ông Vũ Tuấn Anh, đại diện Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn chia sẻ. Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn cũng là đơn vị từng mắc phải vài vụ lùm xùm về bản quyền tranh nên họ hiểu hơn ai hết việc cần minh bạch hóa để đảm bảo giá trị cho những khoản đầu tư không nhỏ của người chơi tranh, bảo vệ uy tín của các nhà đấu giá. Và thực tế, sự phát triển của thị trường mỹ thuật thời gian gần đây cũng cho thấy tiềm năng của ngành này.
Số lượng gallery hoạt động ở Việt Nam hiện nay lên tới con số hàng nghìn, các nhà đấu giá trong nước cũng đã xuất hiện cho thấy một thị trường mỹ thuật tuy chưa phát triển nhưng cũng đã vận hành theo hướng chuyên nghiệp. Một khi phải vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp, tức là tác phẩm muốn ra được thị trường thì phải đảm bảo minh bạch về bản quyền và lúc đó nhu cầu giám định, bảo vệ bản quyền sẽ rất lớn. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, năm 2003 họ mới thành lập trung tâm giám định đầu tiên nhưng đến nay họ đã có tới 15 trung tâm giám định trong cả nước, mỗi năm giúp giám định khoảng 500 - 700 tác phẩm.
Đúng như họa sĩ Đào Hải Phong nhận định: “Không ai muốn đầu tư vào chỗ mà đồ giả tràn lan”, bởi vậy muốn có thị trường mỹ thuật để nghệ sĩ sống được với nghề, các nhà đầu tư yên tâm thì hoạt động giám định phải được đặc biệt coi trọng. Và chỉ bằng cách đưa ra những cơ chế đúng mới có thể huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia tích cực để nhanh chóng minh bạch hóa, tạo đà cho thị trường mỹ thuật phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.