Sách

Hàng trăm hiện vật, tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu, quảng bá trong sách giáo khoa mỹ thuật

PGS.TS Đinh Gia Lê 30/09/2023 - 15:21

Mỹ thuật trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gồm giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, và giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nội dung lựa chọn từ lớp 10 đến lớp 12.

Với định hướng chủ đề ở các cấp học chủ yếu là thiên nhiên, con người, gia đình, nhà trường, xã hội, quê hương, đất nước, thế giới (ở cấp Tiểu học) hay văn hóa, xã hội (ở cấp cấp Trung học cơ sở) được xem là những căn cứ để nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa lựa chọn trong kho tàng hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị lịch sử, mang tính thẩm mỹ để giới thiệu với các thế hệ học sinh, giáo viên, phụ huynh và những người yêu thích mỹ thuật. Điều này góp phần tiếp nối, trao truyền cho các thế hệ trẻ về những sáng tạo của các nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Theo dòng lịch sử, nhiều hiện vật, tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu gồm một số dấu tích, di vật thời kì tiền sử, cổ đại như hình khắc trên vách đá hang Đồng Nội của nền văn hóa Hòa Bình, hiện vật trống đồng, tượng đồng, bình gốm,… tiêu biểu của thời kỳ cổ đại của một số nền văn hóa như Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, Óc Eo, Đông Sơn...

Nhiều di sản của các triều đại thời phong kiến được quảng bá như phù điêu phượng (thời Lý), tượng hổ đá (thời Trần), chạm khắc đình làng (thời Lê Trung Hưng), tranh chân dung, (thời Nguyễn), tranh dân gian…

Trong các cuốn sách giáo khoa mỹ thuật, rất nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được giới thiệu một cách trang trọng và đẹp mắt.

Với cách tổ chức lĩnh hội kiến thức, kỹ năng để hình thành năng lực mỹ thuật thông qua hoạt động, học sinh sẽ được tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị lịch sử, tạo hình của những hiện vật này để có thể biết, hiểu và vận dụng trong thực hành, sáng tạo sản phẩm mỹ thuật của mình.

501-202309301419471.jpg
Sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 7, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Với cách tiếp cận về thể loại, rất nhiều tác phẩm hội họa, đồ họa tranh in, điêu khắc được giới thiệu một cách sinh động, tinh tế gắn liền với các chủ đề. Qua đó, học sinh có được những tư liệu quý, mang định hướng trong việc tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống vào sản phẩm mỹ thuật của mình.

Các tác phẩm của nhiều thế hệ tác giả, họa sĩ, nhà điêu khắc đã được lựa chọn và giới thiệu trong sách giáo khoa mỹ thuật, được xem như minh chứng xác đáng nhất về một nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam với nhiều dấu ấn, đa dạng về phong cách và có những đóng góp nhất định đối với sự vận động chung của nền mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung.

501-202309301419472.jpg
Sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 11, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Việc giới thiệu, quảng bá di sản, tác phẩm mỹ thuật của nền mỹ thuật Việt Nam, từ quá khứ đến hiện tại thông qua sách giáo khoa mỹ thuật là một trong những cách giáo dục giá trị truyền thống, thẩm mỹ của cha ông đến các thế hệ tiếp theo một cách hiệu quả nhất, cũng như được xem như sự ghi nhận, tôn vinh của thế hệ ngày nay với những cống hiến của các thế hệ nghệ sĩ đối với lĩnh vực mỹ thuật, một trong những lĩnh vực góp phần hoàn thiện nhân cách của học sinh một cách toàn diện “Đức - Trí - Thể - Mỹ".

PGS.TS Đinh Gia Lê
Tổng Chủ biên sách giáo khoa mỹ thuật - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm hiện vật, tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu, quảng bá trong sách giáo khoa mỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.