Thời gian dần trôi từng ngày và mỗi ngày cuộc đời là một ngày sống đẹp bởi niềm tin, hy vọng luôn ngập tràn trong mỗi con tim.
Miền quê Hà Nội thuở ấu thơ
Quê tôi ở vùng đất bãi sông Hồng ngoại thành Hà Nội. Trước những năm 60 của thế kỷ trước, năm nào quê tôi cũng có nước lũ làm cho nhà cửa, ruộng vườn bị ngập 2 - 3 tháng.
Năm 1962, thành phố Hà Nội cho đắp đê quai ngăn được lũ mức nước trên cấp II, từ đó quê tôi mới cấy được vụ lúa chiêm, người dân thi thoảng được bữa cơm gạo hoặc cơm mảnh (cơm nấu từ những mảnh hạt ngô với nắm gạo), còn chủ yếu vẫn là cơm bột (nấu từ bột ngô).
Hằng ngày sau giờ học, lũ trẻ trâu chúng tôi thường chơi đùa trên bãi cát mịn trải dài đến tận bến cầu phà Khuyến Lương là đầu tuyến đường giao thông rất quan trọng từ Hà Nội đi ra cảng Hải Phòng và các tỉnh phía Đông Thủ đô khi cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá những năm 1965-1967. Những năm ấy được cùng các bạn trong trường và dân quân xã đào đắp trận địa pháo “tiểu cao” 37 ly ngay cạnh chân con đê quai và sau đó đến thăm trận địa pháo “đại cao” 100 ly, trận địa tên lửa đầu làng cách bến cầu phà khoảng 1km. Tất cả các trận địa đó đều có nhiệm vụ bảo vệ phà Khuyến Lương và ngăn chặn máy bay Mỹ từ xa đến đánh phá cầu Long Biên. Mỗi khi quả đạn tên lửa phóng đi cùng pháo các cỡ nở hoa trên bầu trời bắn máy bay Mỹ cháy ngùn ngụt là bọn trẻ lại vỗ tay hò hét quên cả xuống hầm.
Từ độ tháng hai âm lịch trở đi, bố tôi và chú Hiền thường đi thả lưới đánh bắt cá mòi ở sông Hồng.
Bố kể: Hai ông thích xem cải lương nên rủ nhau bơi ngược dòng đến chân cầu Long Biên gửi thuyền đeo túi lưới vào xem ở rạp Chuông Vàng. Năm lớp 6, gia đình chú Phúc chữa xe đạp có hai cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô (còn gọi là Peugeot con vịt), tôi giấu bố mẹ lấy tiền bán mo nang tre thuê xe của chú tập đi để đạp xe lên cầu Long Biên.
Tết Mậu Thân 1968, tôi rủ hai anh họ thuê xe đạp lên cầu. Ba anh em theo con đê Đại Hà mải miết đạp lên phía thượng nguồn như bố và chú Hiền bơi ngược dòng sông Hồng ngày nào. Gió bấc ào ào thổi mà mấy anh em mướt mải mồ hôi mở phanh khuy áo bông vải xanh kaki Nam Định đứng trên cầu ngắm nghía bốn phương tám hướng nở nụ cười mãn nguyện…
Chúng tôi vui chân đạp xe vào phố Điện Biên Phủ ngắm cột cờ (đi theo hướng dẫn trong bài thơ "Cột cờ Hà Nội" của cố thi sĩ Đinh Xuân Tửu), sau đó trèo lên bệ xem rồi đi xuống hỏi đường về Bờ Hồ, ngắm Tháp Rùa, tàu điện rồi rủ nhau móc túi góp tiền lẻ "mừng tuổi" tết ăn kem Tràng Tiền. Đi qua Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ lại suýt xoa nhớ đến hồi tháng Chạp trong năm, mấy anh em được mẹ cho đi tàu điện từ chợ Mơ lên sắm quần áo tết, quá sướng quá vui mà quên không xin mẹ cho ăn kem…
Những kỷ niệm về Hà Nội thuở ấu thơ vẫn còn mãi trong tôi và sẽ không bao giờ quên.
Nỗi nhớ, niềm tin vào Hà Nội thời trai trẻ
Năm 1970, tôi thi đỗ vào đại học. Dịp nghỉ hè năm 1971, tôi về quê cùng bố chống lụt, trận lụt lớn nhất từ năm 1945 đến thời điểm đó. Đầu năm học thứ hai tôi cùng các bạn nhập ngũ và bắt đầu rời xa Thủ đô. Đơn vị huấn luyện ở các huyện của tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) rồi vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Mấy năm gắn bó với mặt trận B5, đường thư ra vào chậm và thường bị thất lạc do bom đạn, không có tin tức nơi quê nhà nên những lúc nghỉ ngơi ở hậu cứ lại nôn nao nỗi nhớ Hà Nội.
Mặt trận Thành cổ năm ấy vô cùng ác liệt bởi quân địch liên tục dùng máy bay ném bom tọa độ, bắn tên lửa, nã các loại pháo từ "vua chiến trường" 175 ly, từ hạm đội ngoài biển, từ trận địa ca-nông, lựu pháo… xung quanh bắn vào Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm làm bức tường thành dày 12m vẫn phải đổ sập tan nát. Mỗi chiến sĩ bộ đội ta bình quân phải hứng chịu hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo các loại trong chiến dịch. Mỗi ngày cả chục lượt máy bay B52 ném bom rải thảm xung quanh khu vực Thành cổ ngăn chặn từ xa, hạn chế sự tiếp viện của bộ đội ta cho trận địa chốt trong thành...
Những ngày cuối tháng 12-1972 bỗng thấy vắng bóng B52 trên bầu trời Quảng Trị. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973 chúng tôi mới biết rõ vào thời điểm ấy Mỹ đưa B52 ném bom hủy diệt Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc nhưng bị quân dân ta đánh cho tan tác, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không“ chói ngời trong lịch sử nhân loại.
Niềm tin Hà Nội tất thắng càng vững vàng thêm trong mỗi chiến sĩ. Niềm tin ấy theo đoàn quân dũng mãnh đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa…” nhằm tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng 30-4, tôi ra quân trở về học tiếp đại học rồi được phân công làm việc tại Hà Nội.
Hà Nội niềm tin và hy vọng
Dù đã nghỉ hưu tôi vẫn tham gia hoạt động các hội đoàn thể và cũng có điều kiện dõi theo những đổi thay của Hà Nội.
Sau gần 40 năm đổi mới cùng đất nước, một Hà Nội mới lộng lẫy, hiện đại sừng sững hiện ra với nhiều công trình thế kỷ, bên cạnh cây cầu Long Biên đã có thêm nhiều cây cầu lớn nối hai bờ sông Hồng lưu giữ nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ… Không chỉ ở các quận nội đô mà các huyện ngoại thành cũng đã “thay da đổi thịt”.
Xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) quê tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 trước thời hạn 1 năm. 4 năm sau Yên Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện đang phấn đấu để đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Trước đây, cả xã chỉ có 3 nhà 2 tầng thì nay nhà tầng san sát, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng… đều đổ bê tông rộng rãi, ô tô về mua rau quả đỗ ngay đầu bờ ruộng...
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước - trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức Đảng trực thuộc và chiếm gần 10% số đảng viên cả nước. Hà Nội có truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh đã là niềm tự hào kiêu hãnh góp phần làm rạng danh non sông gấm vóc Việt Nam với bạn bè quốc tế năm châu.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Trước mắt, đến năm 2025, tiếp tục xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, GRDP/người đạt 8.100-8.300 USD… Những con số thật ý nghĩa biết bao!
Thời gian dần trôi từng ngày và mỗi ngày cuộc đời là một ngày sống đẹp bởi niềm tin, hy vọng luôn ngập tràn trong mỗi con tim dành cho cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Đó cũng là tình cảm, là niềm tin với niềm tự hào, là hy vọng dành cho Hà Nội luôn ủ ấp trong lòng mỗi người dân Thủ đô mến yêu!
---
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.