(HNM) - Dịch vụ OTT (nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng di động) đã được các nhà quản lý, lãnh đạo DN cung cấp dịch vụ di động khẳng định là xu thế công nghệ tất yếu.
Từ năm 2012, thị trường trong nước có sự gia tăng mạnh mẽ về lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone), cộng với chất lượng dịch vụ 3G được nâng cao, nhiều nơi lắp đặt wifi miễn phí… Đó chính là "mảnh đất" màu mỡ cho các dịch vụ OTT phát triển. Với người dùng smartphone, chỉ cần vào kho ứng dụng (cài đặt sẵn trong điện thoại) là có thể tải về dùng (cập nhật các phiên bản mới thường xuyên) một loạt phần mềm OTT như Viber, Zalo, Kakao Talk… Tuy nhiên, khi người dùng di động sử dụng các dịch vụ OTT cũng đồng nghĩa với nhà mạng bị mất doanh thu.
Các nhà mạng sẽ cùng bắt tay để đưa dịch vụ OTT phát triển trong năm 2014. |
Theo ước tính, Viettel bị mất khoảng 1.500 tỷ đồng doanh thu/năm, VNPT bị mất 10% doanh thu/năm (hơn 1.000 tỷ đồng). Không chỉ có vậy, do sống "ký sinh" qua hạ tầng mạng di động nên OTT "ngốn" băng thông của nhà mạng, khiến nhà mạng không những không được thu lợi mà còn bị tốn băng thông (buộc DN phải mở rộng dung lượng mạng lưới đáp ứng sự hài lòng của khách hàng). Không chỉ ở Việt Nam, các nhà mạng trên toàn cầu cũng chịu chung cảnh ngộ vì OTT và thực tế giữa các nhà mạng - DN cung cấp OTT đã tìm đến nhau để hợp tác cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Vấn đề hợp tác này cũng được đặt ra tại Việt Nam nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức một số hội thảo bàn về sự hợp tác trong thời gian tới giữa các DN. Thực tế trong thông tư mới ban hành đầu tháng 11-2013, Bộ cũng quy định giữa các DN cung cấp dịch vụ di động và DN cung cấp dịch vụ nội dung phải hợp tác với nhau, đồng thời nhà mạng phải tạo điều kiện cho các dịch vụ OTT phát triển. Như vậy đã rõ, nhưng việc hợp tác này sẽ được triển khai như thế nào? Sau khi tiếp thu ý kiến của các DN, Cục Viễn thông từng đưa ra 3 mô hình hợp tác; đại diện Ericsson Việt Nam với kinh nghiệm nhà cung cấp giải pháp trên toàn cầu đã đưa ra 5 mô hình hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ di động và DN cung cấp dịch vụ nội dung. Các mô hình này có các tên gọi khác nhau nhưng về bản chất là đôi bên cùng có lợi khi cùng chia sẻ dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Cũng theo đại diện Ericsson Việt Nam, các nhà mạng thế giới hợp tác với DN OTT đưa ra các gói cước về dữ liệu khác nhau cho khách hàng và kết quả là nhà mạng có thể đạt doanh thu tăng 8-14,5% so với trước.
Bàn về vấn đề hợp tác, lãnh đạo các nhà mạng đều khẳng định sẵn sàng và tạo điều kiện cho các dịch vụ OTT phát triển. Trên thực tế để sự hợp tác này thành công, phải có sự định hướng rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện cụ thể bằng những quy định, ràng buộc. Lãnh đạo Cục Viễn thông từng cho rằng việc xây dựng chính sách quản lý cần được xem xét, thảo luận kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng, OTT là xu hướng công nghệ, không thể chối bỏ nên dù muốn hay không, cả hai nhà cung cấp này phải ngồi với nhau để tìm ra giải pháp hợp tác hiệu quả. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, năm 2014 các DN cung cấp dịch vụ di động và DN cung cấp dịch vụ nội dung sẽ phải cùng nhau hợp tác để đưa các gói dịch vụ ra thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.