(HNM) - Trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị, cả doanh trại quân đội, trường học... được mở rộng công năng: Trông giữ xe. Nhiều khu đất dự án trong thời gian chờ triển khai biến thành nơi trông giữ ô tô, xe máy theo ngày và cả tháng...
Câu chuyện bến bãi, điểm đỗ xe công cộng - hay mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội - kéo dài nhiều năm nay, cho thấy đây là vấn đề thực sự không... tĩnh. Nói đúng mức, bãi trông giữ, điểm đỗ luôn là vấn đề "nóng", gây nhiều bức xúc với nhiều phía: Chủ phương tiện "đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái" tìm nơi gửi, đặc biệt ở khu vực nội đô. Người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi bộ, nhiều khi không còn lối đi. Cơ quan chức năng đứng trước áp lực lớn về quản lý trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Rất dễ hiểu vì sao vấn đề giao thông tĩnh thực sự không... tĩnh khi tổng diện tích chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu. Việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố đã cho những kết quả bước đầu rõ nét, tích cực song cũng cho thấy rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Để duy trì hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch 01 một cách lâu dài, bền vững, góp phần quan trọng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; để câu chuyện giao thông tĩnh không còn nóng và gây bức xúc, đòi hỏi cả những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Đây thực sự là vấn đề khó khi phải "lấp đầy" con số 90% nhu cầu (điểm đỗ) còn lại, trong bối cảnh tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, nhất là ô tô, như... "phi mã". Đồng thời, mọi giải pháp phải "giải tỏa" được bức xúc cho các bên: Người dân, chủ phương tiện, cơ quan quản lý.
Mới đây, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương triển khai 3 bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Nhân Chính, Nhà thi đấu Quần Ngựa và Công viên Thống Nhất. Hiệu quả từ giải pháp rất trúng và phù hợp này có thể thấy rõ: Đáp ứng một phần nhu cầu về điểm đỗ cho người dân khu vực phụ cận hoặc người đến khu vực này. Giải pháp này rất cần được nhân rộng ở những địa điểm phù hợp, khả thi. Bên cạnh đó, cần tổ chức, đẩy nhanh tiến độ các điểm đã được quy hoạch làm bến bãi. Đồng thời, trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông tĩnh hạn hẹp, tất yếu phải ứng dụng mô hình thông minh, công nghệ cao trong triển khai.
Dù vậy, đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, ở quy mô có tính cục bộ (đối với khu, phân khu đô thị...), bắt buộc mọi dự án khi triển khai phải tính đến vấn đề giao thông tĩnh. Ở quy mô lớn hơn, việc di dời các cơ sở như bệnh viện, trường học, trụ sở các cơ quan trung ương... phải được đẩy nhanh hơn nữa. Chính các đơn vị thuộc diện này rất cần "chia sẻ" với thành phố khi việc tập trung hoạt động ở nội thành, nhất là quận trung tâm, đã dẫn đến sự quá tải.
Hệ thống giao thông tĩnh nói riêng, kết cấu hạ tầng giao thông nói chung liên quan mật thiết nhiều yếu tố, quan trọng nhất là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Trước nay, hay có cách nói cửa miệng: Giao thông phải đi trước một bước. Tuy nhiên, quy hoạch phải đi trước cả giao thông. Quy hoạch, ở các cấp độ khác nhau, phải "tính đúng", "tính đủ" và có khả năng dự báo thì câu chuyện giao thông tĩnh mới không còn nóng. Cũng chỉ khi đó, lại như một cách nói cửa miệng khác: "Cả nhà (người dân, chủ phương tiện, cơ quan quản lý) cùng vui".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.