Góc nhìn

Chủ động ứng phó nắng nóng

Bắc Vũ 01/05/2024 - 06:41

Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C và phá vỡ mức kỷ lục nhiệt độ trước đó.

So cùng thời kỳ nhiều năm qua, đợt nắng nóng này được đánh giá là hiếm gặp; thậm chí trong 10 năm trở lại đây, chưa có năm nào cả ba miền Bắc, Trung, Nam cùng xảy ra nắng nóng dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5.

Tại Hà Nội, trạm đo khí tượng ở khu vực Ba Vì và Láng những ngày qua thường ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C, thậm chí có ngày trên 41 độ C. Điều đáng quan tâm, mức nhiệt này được đo trong lều khí tượng, thực tế ngoài trời có thể chênh cao hơn từ 2 đến 4 độ C, thậm chí cao hơn tùy vào điều kiện địa hình như đường nhựa, bê tông, nhà cao tầng… Trong khi đó, các điều kiện địa hình này là điển hình tại Hà Nội và các đô thị lớn khác.

Năm nay, nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ tháng 1-2024 đến nay, khu vực Đông Nam Bộ đã ghi nhận nắng nóng diện rộng, trong đó nhiều ngày nắng nóng gay gắt. Từ tháng 4, nắng nóng mở rộng ra miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên cũng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng trong tháng 3, tháng 4 dù đang là thời gian giao mùa.

Nắng nóng đầu mùa hè đã gây ra những xáo trộn không nhỏ cho đời sống nhân dân, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ thiếu nước trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nắng nóng gay gắt còn dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và các khu vực có rừng…

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, cháy nhà dân, xưởng sản xuất; tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt đang diễn ra ở nhiều nơi thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…, gây xáo trộn rất lớn cho đời sống nhân dân.

Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan khí tượng, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa hè năm nay nhiều khả năng sẽ chứng kiến nắng nóng gay gắt kỷ lục ở nhiều vùng trên cả nước. Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao; nắng nóng cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Trước tình hình trên, yêu cầu với các cấp, ngành, địa phương là chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống nắng nóng, trong đó lưu ý đến các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là người già, trẻ em. Đặc biệt, trong điều kiện nắng nóng, hạn hán kéo dài, các địa phương cần quan tâm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ trong khu dân cư, nơi sản xuất, kinh doanh và các khu vực có rừng.

Để làm tốt nhiệm vụ nêu trên, các cơ quan chức năng và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng và cháy nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của các cơ quan chuyên môn để nhân dân biết, thực hiện công tác ứng phó.

Cùng với đó, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân khi nắng nóng; đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hình thức trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.