(HNMCT) - Ăn, uống, ngủ, nghỉ; chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ em nói chung và học sinh nói riêng đang là câu chuyện lớn, đơn giản bởi đó là phần việc liên quan tới sức khỏe thể chất và tinh thần của thế hệ tương lai. Con cháu có khỏe, học hành giỏi giang thực chất, đạo đức tốt thì sau này đất nước được nhờ, mới phát triển bền vững được.
Với cách tiếp cận nói trên thì nhiều chuyện xảy ra trong thời gian qua, dù không mang tính đại diện cho nền giáo dục nhưng đủ khiến người lớn chúng ta phải băn khoăn. Mới cuối tuần qua thôi, lại có thông tin trẻ học ở cơ sở mầm non tư thục thuộc thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị cô nuôi dạy trẻ “quăng xuống nệm”, đến mức cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh. Rồi là tin cơ quan công an khởi tố một kẻ biến thái, người vào đầu tháng 4-2019 đã hai lần lẻn vào một trường tiểu học ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và thực hiện hành vi dâm ô đối với một nữ sinh lớp 5. Đó là chưa kể những video clip ghi lại cảnh học sinh ở một số trường học giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm” được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến bức tranh môi trường giáo dục bị ảnh hưởng rất nhiều...
Theo dõi tình trạng bạo lực học đường, những rủi ro liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, tai nạn học đường... và cách giải quyết vấn đề sau khi sự vụ xảy ra, dễ thấy trong nhiều trường hợp ban giám hiệu và giáo viên không đáng phải chịu trách nhiệm chính bởi vụ việc xảy ra nằm ngoài khả năng can thiệp tức thời của họ.
Nhưng cũng có nhiều vụ việc mà khi đánh giá vấn đề một cách khách quan, không có lý do gì để tránh đề cập đến vai trò trách nhiệm của ban giám hiệu, ít nhất thì cũng là trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nguy cơ dẫn đến tình trạng mất an toàn. Nói rộng ra, cũng như với cơ quan nhà nước, vấn đề liên quan tới văn hóa công sở, trách nhiệm công vụ.
Ngày 11-12-2017, một nhóm học sinh đang chơi đùa trên tầng 2 khu nhà thuộc Trường Tiểu học Văn Môn (Bắc Ninh) thì lan can ngoài hành lang bất ngờ sập xuống. Hơn một chục học sinh bị thương, trong đó có nhiều cháu bị rơi từ tầng 2 xuống đất.
Trước đó, vào tháng 10-2017, hàng chục học sinh Trường Tiểu học Thanh Quới A (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là nạn nhân của vụ sập trần lớp học, trong đó có 9 học sinh được đưa đi cấp cứu. Mới đây nhất, sáng 8-4-2019, trong giờ học thể dục tại Trường Trung học cơ sở Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), một nam sinh lớp 6 đã bị đinh sắt hàn trên trụ xà đâm vào đầu khi thực hiện bài tập nhảy cao và chẳng may trụ xà bị đổ. Theo báo cáo, dụng cụ tập luyện nhảy cao đã hỏng, do thiếu kinh phí nên nhà trường phải “chế lại”…
Ba vụ tai nạn nói trên có nguyên nhân là cơ sở vật chất xuống cấp, sử dụng dụng cụ học tập tự chế, không bảo đảm an toàn. Nghĩa là, với những việc này, nếu nhà trường chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên, có phương án sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc hạn chế học sinh qua lại, vui chơi ở những nơi nguy hiểm thì điều đáng tiếc có thể đã không xảy ra.
Ở vụ tai nạn tại Trường Trung học cơ sở Văn Tố (Hải Dương) cũng vậy, nếu người lớn kỹ lưỡng hơn, trách nhiệm hơn trong việc đánh giá chất lượng dụng cụ tập luyện thể thao, kiên quyết đề nghị thay mới hoặc thay đổi nội dung tập luyện thì tai nạn đã không xảy ra.
Bạo lực học đường, tai nạn trong nhà trường không bỗng dưng xuất hiện. Những tín hiệu về mâu thuẫn giữa các cá nhân hoặc nhóm học sinh, về sự xuống cấp của cơ sở vật chất hay “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm an ninh trường học, bảo đảm an toàn thực phẩm… là điều có thể nhận biết nếu người lớn sát sao hơn với trẻ, luôn xác định được trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao.
Nếu không đủ thời gian để quán xuyến mọi việc, ít nhất thì ban giám hiệu cũng cần giao việc kiểm tra, giám sát tình hình bảo đảm an ninh, an toàn cho ai đó, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Nên có những người ăn lương chỉ để làm một việc này, bảo đảm rằng những mầm mống “nổi loạn” được phát hiện kịp thời, những bức tường hay trần nhà có khả năng sụp xuống không thể khiến học sinh bị thương, những bữa ăn bán trú không còn khiến phụ huynh phải e ngại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.