(HNM) - Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được phát minh từ năm 2008. Đây là một công nghệ tổng hợp tiên tiến, liên quan đến nhiều công nghệ lõi, như: Bảo mật, mã hóa dữ liệu, giao thức thanh toán…
Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, chứng khoán, y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia, như: Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… đã ứng dụng Blockchain vào việc quản lý “hộ chiếu vắc xin”. Công nghệ này giúp cho việc xác nhận một người đã tiêm vắc xin chưa, loại vắc xin đó là gì, do cơ quan nào chịu trách nhiệm...
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó chuỗi khối (Blockchain) được xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực tế, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Blockchain và bước đầu đã mang lại những thành công nhất định. Đơn cử như Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ứng dụng Blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp lưu trữ lại toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh của người dân. Nhờ đó, những thông tin căn bản đều được lưu và tái sử dụng, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.