Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn quá nhiều việc phải làm

Thống Nhất| 21/03/2018 07:24

(HNM) - Theo kế hoạch, tháng 4-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chương trình môn học, tạo căn cứ biên soạn sách giáo khoa mới để áp dụng từ năm học 2019-2020 trên cả nước...


Bài toán quá tải

Số học sinh/lớp quá đông, vượt mức quy định của Điều lệ trường học là tình trạng phổ biến tại các nhà trường trên địa bàn Hà Nội trong nhiều năm qua. Đây là rào cản lớn đối với các nhà trường trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học. Giải quyết vấn đề quá tải trường học là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, đòi hỏi các nhà trường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương bởi chỉ còn hơn 1 năm nữa là sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không chỉ cần sự nỗ lực của riêng ngành Giáo dục.

Chất lượng giảng dạy các môn tích hợp là thách thức khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bá hoạt



Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, song, vài năm nay nhà trường đều bị quá tải, một số lớp có quy mô lên tới 50 học sinh và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng bởi số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp trên địa bàn huyện đang ngày càng nhiều. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp, số phòng học chưa đáp ứng được yêu cầu còn nhiều, trang thiết bị dạy học vừa thiếu vừa lạc hậu.

Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên bày tỏ lo lắng: Dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng đến nay toàn huyện mới có 29/88 trường học đạt chuẩn quốc gia, là đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến các trường không đạt chuẩn là chưa bảo đảm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lưu Luyến đề xuất UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chính sách hỗ trợ về kinh phí và ban hành cơ chế đặc thù để những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có thể quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành Giáo dục.

Trước thách thức về tình trạng quá tải học sinh, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) nhận định: Sĩ số vượt quá Điều lệ trường học là tình trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội. Chương trình giáo dục phổ thông mới được điều chỉnh theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tổ chức thực hành, thí nghiệm dành cho học sinh, đặt ra yêu cầu chuẩn bị chu đáo về phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đồ dùng thí nghiệm... Đây đều là những nội dung đòi hỏi phải đầu tư kinh phí, nếu không có lộ trình và kế hoạch cụ thể thì sẽ khó đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Và nỗi lo chất lượng giáo viên dạy tích hợp

Một trong những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới chính là việc nâng cao chất lượng và chuẩn bị đầy đủ về số lượng giáo viên của ngành Giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình): “Với chương trình đào tạo sư phạm hiện nay, giáo viên khó có thể đáp ứng được việc dạy các môn tích hợp. Cụ thể, giáo viên vật lý khó có thể dạy tốt môn tích hợp khoa học tự nhiên; giáo viên lịch sử chắc hẳn sẽ vất vả khi phải đảm nhận việc dạy môn địa lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, việc cần triển khai ngay là tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, giúp đội ngũ này sẵn sàng cả về tâm thế, kiến thức và kỹ năng triển khai nhiệm vụ liên quan tới Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bà Hoàng Thị Hồng Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cũng bày tỏ sự lo lắng khi đưa ra nhận định: “Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu cao hơn đối với giáo viên bởi nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung lần đầu triển khai như tổ chức hoạt động trải nghiệm, dạy tích hợp... Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất”. Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng hàng đầu. “Ngoài việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên tiếp tục nỗ lực trau dồi cả về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là ba yếu tố quan trọng đối với giáo viên - đội ngũ quyết định hiệu quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới” - ông Lê Hồng Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn quá nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.