Đời sống

Đổi mới hoạt động trải nghiệm cho trẻ:Điểm sáng của chương trình giáo dục phổ thông mới

Hạ Yến 12/08/2023 06:53

Nhiều năm trở lại đây, việc tổ chức các hoạt động mang tính trải nghiệm nhằm tạo cơ hội cho trẻ em tiếp cận thực tế, qua đó nuôi dưỡng cảm xúc tích cực vẫn luôn được chú trọng trong các gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, để hoạt động trải nghiệm diễn ra một cách khoa học, an toàn, gợi hứng thú cho trẻ mong đợi những chuyến đi tiếp theo lại không phải là điều dễ thực hiện.

catba-t1.jpg
Say mê tìm hiểu khi trải nghiệm thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Ảnh: Nature Expedition

Trải nghiệm phong trào

Chưa bao giờ mà các hoạt động trải nghiệm lại “nở rộ” như hiện nay, nhất là khi hoạt động này đã trở thành một phần không thể thiếu trong nội dung giáo dục phổ thông đối với cả ba cấp học. Có thể nói, đây là một điểm sáng của chương trình giáo dục phổ thông mới khi lâu nay dư luận vẫn lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng “thừa học, thiếu hành”, tình trạng “gà công nghiệp” của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Thế nhưng, trong thực tế, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường còn lắm nỗi “gian truân” khi số lượng học sinh ở mỗi lớp quá đông, khi kinh phí phục vụ cho việc này còn hạn chế và tư duy về hoạt động trải nghiệm của các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Hiện nay, mỗi khi tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham quan dã ngoại, hầu hết các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội thường kết hợp với một công ty du lịch nào đó để tổ chức chương trình, điểm đến được chọn thường là một trang trại giáo dục, vườn sinh thái ở quanh Hà Nội. Ưu điểm của các chương trình này là khá an toàn, ít xảy ra sự cố, nhưng đồng thời cũng ít thu được hiệu quả trải nghiệm. Với học sinh tiểu học còn nhiều háo hức khám phá thì các điểm đến này ít nhiều thu hút trẻ, nhưng với học sinh từ bậc THCS trở lên, hoạt động này có thể trở thành “trải nghiệm bất đắc dĩ”, khiến các em không còn muốn tham gia ở các lần tiếp theo.

cat-ba-t2.jpg
Một chuyến trải nghiệm thiên nhiên tại Cát Bà do Nature Expedition tổ chức.

Trong bối cảnh hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức còn nhiều hạn chế, không ít mô hình hoạt động trải nghiệm tự phát do các phụ huynh trong lớp, các hội nhóm trên mạng xã hội thực hiện đã ra đời. Tổ chức theo kiểu phong trào, thiếu tính chuyên nghiệp nên một số chương trình tự phát dạng này để lại cảm giác “kinh hoàng” trong lòng người tham gia. Chị Dương Việt Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn nhớ như in cái cảm giác khi xe dừng chênh vênh bên bờ vực để tránh xe đi ngược chiều trong một chuyến dã ngoại của các bậc phụ huynh cùng các con ở Thác Mu, Hòa Bình: “Tim tôi muốn ngừng đập, tay thì đổ mồ hôi run rẩy, đầu thì chỉ biết lẩm nhẩm khấn cầu vì mang trọng trách trưởng đoàn chịu trách nhiệm trước bao nhiêu con người trong xe”. Đóng kinh phí và tham gia những chuyến đi do hội nhóm tổ chức hoàn toàn bằng... niềm tin giữa những con người xa lạ mà không có gì để đảm bảo, không ít hậu quả đau lòng đã xảy ra. Nhẹ thì có thể mất tiền, chuyến đi không được như ý, nặng thì có thể bị ngộ độc thực phẩm hay thậm chí mất mạng, như đã thấy qua sự việc 1 học sinh lớp 6 và 1 phụ huynh tử vong trong quá trình tham gia trải nghiệm bắt ngao ở Vườn quốc gia Xuân Thủy vào tháng 5-2023 vừa qua.

Trải nghiệm chơi mà học

Nếu chỉ có vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi, một chương trình trải nghiệm như vậy không khác gì chuyến nghỉ mát, du lịch. Muốn cho trẻ được chơi và thông qua chơi để được học, đòi hỏi những người tổ chức phải có kỹ năng, kiến thức liên ngành để không đơn thuần là một hướng dẫn viên du lịch mà còn có khả năng cung cấp kiến thức, giải đáp các câu hỏi. Thạc sĩ Việt Nam học Huyền Machi, nhà sáng lập thư viện sách Tổ líu lo cho biết: “Một số người hiểu sai ý nghĩa của “giáo dục trải nghiệm”, cho là cứ đi đến nơi đó, nhìn những thứ đó là được rồi. Tôi không nghĩ thế. Cùng một điểm đến, một loại hình trải nghiệm, lồng ghép hay không, lồng ghép kiến thức gì để có thể dẫn đến kết quả, hiệu quả khác nhau rất nhiều”.

Một phụ huynh ở Hà Nội kể: “Mình đi Ninh Bình kha khá lần, ở Cúc Phương resort 3 lần nhưng chưa bao giờ có ý định đi Vườn quốc gia Cúc Phương bởi suy nghĩ chẳng có gì ngoài chụp ảnh với cây chò ngàn năm". Ấy thế nhưng, sau khi tham gia một chuyến trải nghiệm thiên nhiên với Nature Expedition, chị nhận ra rằng, “đi rừng không chỉ là đi vào trong rừng mà còn là dừng lại ngắm nhìn từng tán cây, đắm chìm trong không khí mát mẻ của rừng cây, nghiêng tai lắng nghe tiếng chim hót véo von, "vạch lá tìm sâu" để quan sát một thế giới sinh vật kỳ thú ẩn nấp dưới mỗi gốc cây, ngọn cỏ”.

cuc-phuong-t2.jpg
Các bạn nhỏ hào hứng tìm hiểu về động thực vật ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Điểm mà vị phụ huynh này không ngờ tới là một chuyến đi bộ 13km trong 2 ngày 1 đêm hoạt động "full công suất" ở Vườn quốc gia Cúc Phương từ sáng sớm đến tận đêm khuya, ấy thế nhưng cả đoàn của chị, từ “thanh niên 3 tuổi” đến đội đông đảo nhất 7 - 10 tuổi và cả các bạn U40, U50 đều phấn khởi, hào hứng, không muốn bỏ lỡ một hoạt động nào. Từ các trò chơi như cắt dây bằng tay không, tạo lửa và giữ lửa, đuổi bắt hay hành trình đi thăm các bạn rùa, tìm đường trong rừng... đều hấp dẫn, lôi cuốn, mở ra cả một bầu trời kiến thức được lồng ghép vào hoạt động tham quan, vừa vui vừa thú vị với cả trẻ em lẫn người lớn trong đoàn. Khi lên ô tô trở về, mệt đấy, nhưng đám trẻ vẫn nhao nhao hỏi “bao giờ lại được đi tiếp?”.

Ví dụ nói trên cho thấy sức hút mạnh mẽ từ hoạt động trải nghiệm giáo dục đối với trẻ em. Một số tour của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, di tích Nhà tù Hỏa Lò hay Khu di tích Hoàng thành Thăng Long phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong những năm gần đây là minh chứng rõ nét về lợi ích của hoạt động trải nghiệm. Loại tour này “đắt sô” với chính người dân sống lâu năm ở Hà Nội bởi vì khác với những lần tham quan mang tính “check-in” địa điểm trước đây, những kiến thức thu nhận được sau mỗi tour này đã giúp người tham quan nhận ra được cái hay, cái thú vị của từng điểm đến.

Hiệu quả đó còn có thể thấy qua những buổi trải nghiệm ngay “bên bờ ao nhà mình” của chủ nhiệm dự án “Xây dựng tour du lịch khám phá phố cổ Hà Nội" Nguyễn Thị Thanh Bình. Chỉ “loanh quanh mấy cái cây quanh Bờ Hồ” thôi mà đã khiến lũ trẻ hào hứng tới lui cả buổi để khám phá, để học quan sát, phát hiện và đánh dấu vị trí cây trên sơ đồ. Cùng với các tour tham quan bảo tàng, di tích, một số mô hình trải nghiệm khoa học đã lặng lẽ xuất hiện, thu hút sự tham gia của những gia đình quan tâm đến mảng trải nghiệm giáo dục. Đó là chương trình “Khám phá vũ trụ cùng VNSC - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam”, “Panasonic Risupia Vietnam”, “Ajinomoto cùng trải nghiệm” hay mô hình của các câu lạc bộ STEM.

Chị Đỗ Thị Nhung, nghiên cứu viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, để tổ chức được các hoạt động trải nghiệm giáo dục cho trẻ em, dù là các thí nghiệm khoa học hay các chương trình về với thiên nhiên, thì đội ngũ tổ chức ngoài kiến thức khoa học chuyên ngành - liên ngành còn đòi hỏi kinh nghiệm tổ chức nhóm, kỹ năng quản trị rủi ro, xử lý tình huống, và quan trọng là phải cực kỳ yêu trẻ thì mới có thể gần gũi và cùng đồng hành với trẻ trong mọi hoạt động. Thực tế đã chứng minh rằng, các hoạt động trải nghiệm rất cần thiết đối với trẻ em bởi nó góp phần bổ trợ và nâng cấp các hoạt động giáo dục chính khóa, tăng cường phát triển các khối kỹ năng và hình thành nhân sinh quan, thế giới quan sớm cho trẻ. Khi mỗi điểm đến, mỗi hoạt động, mỗi trò chơi, mỗi trải nghiệm đều hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức thường thức thú vị, câu chuyện thực tế được lồng ghép tinh tế thì sẽ mang lại cho trẻ cảm xúc tích cực, những kỷ niệm khó quên, từ đó góp phần hình thành tình yêu khoa học, khơi gợi hứng thú khám phá và trân trọng thiên nhiên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hoạt động trải nghiệm cho trẻ: Điểm sáng của chương trình giáo dục phổ thông mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.