Chính trị

Kỷ niệm 206 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2024): Giá trị cốt lõi và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác

Tiến sĩ Lê Thị Chiên 05/05/2024 06:18

Gần hai thế kỷ trôi qua, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác do Các Mác (Karl Marx) sáng lập vẫn có sức sống bền vững, trường tồn. Nhiều đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác.

Thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của nhân loại

Các Mác sinh ngày 5-5-1818 tại thành phố Trier, Vương quốc Phổ (nay là nước Đức). Chủ nghĩa Mác do ông sáng lập từ những năm 40 của thế kỷ XIX. Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác được thể hiện trên cả 3 bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Về triết học, Các Mác sáng lập ra phép biện chứng duy vật - phương pháp nhận thức hoàn bị, khắc phục được những sai lầm, phiến diện của cả phép biện chứng ngây thơ, chất phác thời cổ đại trước đó, cũng như phép biện chứng duy tâm của triết học cổ điển Đức sau này. Nhờ đó, triết học trở thành vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình và toàn xã hội. Ngoài ra, Các Mác còn đưa ra những quan điểm duy vật về lịch sử, khắc phục triệt để những hạn chế của chủ nghĩa duy vật trước đây - đó là chỉ duy vật khi nghiên cứu về giới tự nhiên nhưng lại duy tâm khi nghiên cứu về lịch sử, xã hội loài người.

Về kinh tế chính trị học, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thông qua học thuyết giá trị thặng dư. Theo đánh giá của V.I.Lênin, đây là “hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”, là “nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác”. Với học thuyết này, Các Mác đã “tìm ra bí mật của phương thức bóc lột chủ nghĩa tư bản”, đồng thời chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với giai cấp tư sản.

Về chủ nghĩa xã hội khoa học, lần đầu tiên Các Mác luận giải một cách thuyết phục sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân và vai trò to lớn của giai cấp vô sản. Đó là lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Mục đích của của chế độ xã hội này không phải chỉ là giải phóng “một giai cấp đặc thù” mà là giải phóng toàn xã hội với phương châm: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Chính điều này đã làm nên tính nhân văn của chủ nghĩa Mác mà không học thuyết nào có được.

Đúng như V.I.Lênin nhận định, toàn bộ thiên tài của Các Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra. Nhờ đó, chủ nghĩa Mác trở thành học thuyết khoa học và cách mạng, cung cấp cho con người một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào hay một thế lực phản động nào trong xã hội.

Dù ra đời cách đây gần hai thế kỷ và luôn phải hứng chịu sự công kích, chống phá của tư tưởng tư sản, thù địch nhưng những quan điểm của Các Mác vẫn có sức sống bền vững và giá trị trường tồn. Sức sống đó được thể hiện ở chỗ nó giải đáp những vấn đề mà tư tưởng tiến bộ của loài người đặt ra, soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại. Đó là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa.

Trong tình hình hiện nay, sức sống của chủ nghĩa Mác còn được thể hiện ở chỗ, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có nhiều nghiên cứu về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác. Phong trào “trở về với Mác”, “tìm đọc Mác” được dấy lên ở nhiều nước vốn trước đây luôn có khuynh hướng bài xích chủ nghĩa Mác. Những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác, đặc biệt là của Các Mác được tìm đọc nhiều, nhất là bộ “Tư bản” vẫn xếp số 1 trên thế giới và hiện được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước. Do đó, không thể nói rằng, chủ nghĩa Mác là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời” khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của nhân loại.

Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ Đại hội VII (năm 1991) đến nay, Đảng ta bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh và chỉ rõ: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Để giữ vững nền tảng tư tưởng, Đảng ta luôn xác định rõ cần phải kiên định với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tình hình thế giới.

Những năm gần đây, có nhiều diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng ngày càng phức tạp. Trong nước, sự nghiệp đổi mới tuy được đẩy mạnh toàn diện nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…

Trước tình hình đó, Đảng ta chỉ rõ: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Sự kiên định, vững vàng của Đảng ta trong suốt hơn 94 năm qua là một bằng chứng giàu sức thuyết phục để khẳng định chủ nghĩa Mác tuy đã ra đời cách đây gần hai thế kỷ nhưng vẫn có giá trị, sức sống bền vững với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việc Đảng ta kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin khiến các thế lực thù địch, phản động cho rằng Việt Nam có tư tưởng “bảo thủ”, ôm khư khư hệ tư tưởng đã cũ. Nhân danh phái “cấp tiến”, một số người còn kêu gọi Việt Nam cần lấy sự khủng hoảng, sụp đổ của một số nước xã hội chủ nghĩa là bài học để “tránh chỗ tối tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” để đi theo quỹ đạo của các nước tư bản.

Tuy nhiên, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử khiến cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay chính là bằng chứng thuyết phục để khẳng định, việc Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn đúng đắn. Những thành tựu đó cũng cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn có sức sống trường tồn, vẫn là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc Đảng ta chủ trương kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vừa phù hợp với quy luật khách quan, vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin một mặt là tiếp tục tôn vinh, lan tỏa những giá trị không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác, song mặt khác cũng kiên quyết đấu tranh với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận học thuyết này dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là cách thiết thực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sĩ Lê Thị Chiên
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 206 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2024): Giá trị cốt lõi và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.