Góc nhìn

Đẩy mạnh đổi mới giáo dục phổ thông

Hà Trang 31/12/2023 - 06:13

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã hình thành được hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và đa dạng hóa với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo từ mầm non đến sau đại học…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn đánh giá, một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đó là mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm, việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế. Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông bộc lộ không ít bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 25-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Chỉ thị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tập trung khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục...

Để thực hiện đúng định hướng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, trong đó sớm xây dựng Luật Nhà giáo; tập trung đầu tư cho giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu của giáo dục là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Do đó, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; đồng thời bám sát nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đổi mới giáo dục phổ thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.