Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới nghệ thuật tạo hình suốt 70 năm qua. Gần đây, nhiều tác phẩm mới về đề tài này tiếp tục ra đời, làm dày thêm những câu chuyện lịch sử kể bằng nghệ thuật.
Đó cũng là tín hiệu cho thấy mạch nguồn tự hào đang chảy mạnh mẽ và tiếp nối đến thế hệ sau.
Trong những năm tháng ác liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, có nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ tạo hình đã trực tiếp hòa mình vào cuộc chiến đấu oanh liệt, ghi lại chân thực những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm của quân và dân ta, tạo nên những tác phẩm để đời. Có thể kể đến tác phẩm bảo vật quốc gia "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng, chùm ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, ký họa “Bộ đội họp” của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, tranh bột màu “Gặp nhau” của họa sĩ Mai Văn Hiến…
Sau ngày chiến thắng và cho đến hôm nay, đề tài Điện Biên Phủ vẫn được các họa sĩ tạo hình sáng tác, dù phần nhiều trong số họ không trải qua chiến dịch. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tác phẩm sáng tác khi Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa như bức sơn mài “Đường lên Điện Biên” (Trần Khánh Chương, sáng tác năm 2005), sơn dầu “Hồ Chủ tịch lội suối” (Bùi Văn Hoan, sáng tác năm 2009)…
Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (Hà Nội) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức từ ngày 3 đến 9-5, giới thiệu rất nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ sáng tác gần đây của các họa sĩ đương đại. Có thể kể đến là tác phẩm “Hào khí Điện Biên” (điêu khắc đồng của Nguyễn Xuân Thành, sáng tác năm 1979), “Mường Thanh 7-5-1954” (tranh sơn dầu của Đoàn Văn Thân, sáng tác năm 2001), “Phía sau là hầm Đờ Cát” (tranh sơn dầu của Bùi Tuyết Mai, sáng tác năm 2018), “Trường ca Điện Biên Phủ” (tranh acrylic của Trần Thị Thanh Hòa, sáng tác năm 2024)…
Tuy là đề tài gợi nhiều cảm hứng nhưng sáng tác về Chiến dịch Điện Biên Phủ khi sự kiện đã lùi xa hơn 70 năm, nhất là đối với thế hệ nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, là vô cùng thách thức. Bằng kinh nghiệm của mình, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh chia sẻ, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông mới 14-15 tuổi. Ông đã đi tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu, sách báo, phim ảnh và đi thực tế chiến trường xưa để góp nhặt câu chuyện, tìm chất liệu sáng tác nên tác phẩm “Cả nước ra trận” và nhiều tác phẩm khác.
Thuộc thế hệ đi sau, nhưng họa sĩ Phạm Hoàng Văn vẫn tích cực tìm hiểu và sáng tác về Điện Biên Phủ. Tác phẩm sơn mài “Vượt núi băng ngàn” của họa sĩ sáng tác năm 2005 với nét vẽ khỏe khoắn ghi lại hình ảnh đoàn quân đi trong ánh nắng chiều vàng in vào vách núi, là một trong những tác phẩm ấn tượng tại Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo họa sĩ Phạm Hoàng Văn, khi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng hay cụ thể là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quan trọng nhất với các nghệ sĩ thời nay là có tình yêu quê hương, đất nước, có cảm xúc tự hào và tay nghề tốt, để thể hiện câu chuyện lịch sử xứng tầm vóc.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, qua các tác phẩm mỹ thuật giới thiệu với công chúng dịp này trên cả nước, có thể thấy nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn say sưa, nhiệt tình sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, về chiến thắng lịch sử của dân tộc 70 năm trước. “Họ không ngại vẽ lại những câu chuyện cũ mà đầy tự tin lật giở những trang sách, những bức ảnh, những thước phim cảm xúc để tái hiện lịch sử bằng cách nhìn đương đại, kết nối hiện tại với quá khứ tạo nên những tác phẩm mang thành công mới”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Mạch nguồn sáng tác mỹ thuật về Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và chiến tranh cách mạng nói chung vẫn tiếp tục đầy thêm. Thông qua đó, không chỉ các nghệ sĩ tạo hình mà lớp trẻ ngày nay có thể nhìn vào, thêm trân trọng trang vàng lịch sử dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.