Chính trị

Đỉnh cao của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp

Tiến sĩ Vũ Thành Trung 05/05/2024 - 06:57

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, từ rất sớm, ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã có sự liên minh chiến đấu chống thù chung.

Trải qua năm tháng, liên minh chiến đấu giữa ba nước ngày càng bền chặt, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".

dien-bien-phu.jpg
Liên quân Việt - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN

Đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung

Đến năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã đạt được những bước tiến tích cực. Ba nước đoàn kết, phối hợp tác chiến một cách chặt chẽ, hài hòa, chi viện giúp đỡ lẫn nhau và liên tiếp làm thất bại các âm mưu chiến tranh của địch. Trước tình hình đó, tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi khảo sát chiến trường, Nava đã vạch ra một bản kế hoạch chiến lược, hy vọng 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động về mặt quân sự trên chiến trường Đông Dương.

Với quyết tâm đánh bại kế hoạch Nava của địch, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và tương quan lực lượng hai bên, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954, xác định phương châm chiến lược là tập trung lực lượng mở những đòn tiến công lớn vào những hướng chiến lược quan trọng ở Tây Bắc, Tây Nguyên, phối hợp với các chiến trường bạn ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đẩy mạnh hoạt động ở các chiến trường sau lưng địch.

Về sự phối hợp tác chiến của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, trong Báo cáo về chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 gửi Chủ tịch Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Đặc điểm của hoạt động Đông Xuân là bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt - Miên - Lào, chứ không phải hạn chế trên một chiến trường nào”[1]. Ngày 20-12-1953, Đề án quân sự của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định: “Tăng cường chiến tranh du kích ở địch hậu, tăng cường hoạt động ở các chiến trường và Lào - Miên, buộc địch phải phân tán lực lượng và do đó lâm vào bị động”[2]. Trong mối quan hệ giữa chiến trường ba nước, Tổng Quân ủy xác định: “Chiến trường miền Nam bao gồm Liên khu V và Nam Bộ, đứng về địa lý và quân sự mà nói thì có quan hệ mật thiết với chiến trường Cao Miên và miền Hạ Lào...”[3].

Thực hiện chủ trương phối hợp chiến đấu giữa các chiến trường, cuối tháng 11-1953, hai Chính phủ Việt Nam và Lào thống nhất mở chiến dịch tấn công quân Pháp trên hướng Trung - Hạ Lào để phá thế tập trung quân của Nava ở Đồng bằng Bắc Bộ, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng Trung - Hạ Lào, xây dựng cơ sở kháng chiến, đánh thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, phá vỡ “tuyến cấm” Trung Đông Dương, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường khác giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân 1953-1954.

Đối với Việt Nam, sau khi phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của địch; đánh giá mức độ, khả năng chuẩn bị cung cấp cho mặt trận và thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cuộc chiến đấu phối hợp của quân dân Lào và Campuchia tiếp tục được đẩy mạnh, cùng “chia lửa” với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Theo đó, trên chiến trường nước bạn Lào, sau khi tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến ở Trung - Hạ Lào, theo đề nghị của Bộ Tổng Tư lệnh, được sự đồng ý của bạn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đồng ý điều hai tiểu đoàn của Trung đoàn 101 từ Trung Lào xuống Hạ Lào phát triển tiến công địch và cho Trung đoàn 18 đang hoạt động ở đường 9 - Quảng Trị sang Trung Lào thay thế Trung đoàn 101...

Trên chiến trường Campuchia, sau khi nhận được chỉ thị phối hợp chiến đấu với chiến trường chính Điện Biên Phủ, quân dân Campuchia cùng với quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuống vùng đồng bằng đông dân, dọc đường giao thông, tạo cơ sở chuẩn bị cho quân chủ lực tác chiến...

Tính đến tháng 5-1954, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, bóc gỡ hàng loạt đồn, bốt trên các trục đường giao thông quan trọng. Những thắng lợi đó không chỉ làm cho thế và lực của cách mạng Campuchia lớn mạnh (giải phóng được 2/3 đất đai với 1/2 dân số), mà còn đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân dân Việt Nam.

Như vậy, trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân, dân Lào và Campuchia đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt các con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ, góp phần cô lập Điện Biên Phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân Việt Nam giành thế chủ động tấn công địch. Đến ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đối với các dân tộc Đông Dương, đó “là thắng lợi của tình đoàn kết liên minh chiến đấu toàn diện giữa quân đội và nhân dân ba nước mà Việt Nam làm trụ cột”[4].

Bồi tụ, vun đắp mối quan hệ giữa ba nước lên tầm cao mới

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là tượng đài hùng vĩ của phẩm giá, trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam mà còn là đỉnh cao của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nó được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng vì mục tiêu chung là giành độc lập, tự do cho nhân dân mỗi nước.

Những thắng lợi của quân và dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng còn khắc họa sâu đậm hình ảnh người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam chịu đựng hy sinh, gian khổ, đoàn kết, liên minh chặt chẽ với quân, dân Lào và Campuchia đánh thắng kẻ thù xâm lược. Tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân ba nước trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là tài sản vô giá, không thể phai mờ, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh, chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như vậy...”[5].

Phát huy tình đoàn kết chiến đấu chống thù chung, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia luôn kề vai sát cánh bên nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn mới, bài học kinh nghiệm về siết chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cần được phát huy cao độ. Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào - Campuchia; tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm hợp tác với Lào và Campuchia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; coi đó là quy luật tồn tại và là động lực cho phát triển của sự nghiệp cách mạng mỗi nước; các thế hệ tiếp sau phải cùng gìn giữ, bồi tụ, vun đắp mối quan hệ giữa ba nước lên tầm cao mới, để mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia mãi mãi trường tồn.

Đạt được mục tiêu đó, Việt Nam - Lào - Campuchia cần tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp; nâng tầng hợp tác quốc phòng, an ninh để xứng đáng là trụ cột trong mối quan hệ, hợp tác toàn diện giữa ba nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân mỗi nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ba nước trên trường quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

______

[1] Văn kiện quân sự của Đảng 1951-1954, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr. 535.
[2] Văn kiện quân sự của Đảng 1951-1954, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr.486.
[3] Văn kiện quân sự của Đảng 1951-1954, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, tr. 498.
[4] Báo Quân đội nhân dân, ngày 8-5-1984.
[5] Cayxỏn Phômvihản, Xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.91.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đỉnh cao của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.