Từ chiều nay (31-10), Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội. Bên hành lang kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho biết sẽ tập trung chuyển tải những nội dung được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Các lãng phí nguồn lực xã hội gây thất thoát lớn
Tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong năm 2023 đã được cử tri và nhân dân theo dõi, quan tâm, đặc biệt là những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt và chưa đạt được.
Những vấn đề cử tri và nhân dân hết sức quan tâm sẽ được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội. Trước hết, đó là mối lo ngại từ nguy cơ thiếu việc làm của các doanh nghiệp sẽ dẫn đến ảnh hưởng đời sống người lao động, thu nhập không ổn định. Ở một địa phương sẽ xảy ra tình trạng người dân thiếu việc làm, thu nhập khó khăn, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên.
Tiếp đó, trật tự an toàn xã hội, nạn bạo hành, bắt cóc trẻ em… là những nội dung cũng được cử tri và nhân dân quan tâm. Việc vụ việc cháy, nổ gây hậu quả thương tâm thời gian qua khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của mình, nhất là ở những thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.
Người dân cũng thấy bất an khi tham gia giao thông mà không lường trước được những rủi ro, những sự cố nào có thể xảy ra. Do đó, thông qua thảo luận tại kỳ họp, những vấn đề xã hội nêu trên sẽ được đại biểu tập trung phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm…
Một vấn đề nữa chúng tôi cũng thấy cử tri hết sức quan tâm là công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là chống lãng phí các nguồn lực xã hội, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Ví dụ như việc tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng ít mang tính giáo dục hoặc định hướng về thẩm mỹ vừa qua trên thực tế đã gây ra lãng phí mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Cần quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu đề ra
Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với những giải pháp thực hiện mà Chính phủ đã báo cáo tại kỳ họp, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư công, hiện đang rất chậm chạp và là "điểm nghẽn" của phát triển kinh tế; quan tâm đến các dự án, công trình trọng điểm.
Tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa vào giải pháp con người. Có nhiều sự chậm trễ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đến đạo đức công vụ. Báo cáo cũng đã đề cập đến hiện tượng ngại khó, ngại khổ, né tránh trách nhiệm của đội ngũ này. Đây cũng là rào cản trong việc thực thi công vụ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Hy vọng rằng, qua phiên thảo luận, những hạn chế, yếu kém, “điểm nghẽn” sẽ được nhận diện rõ hơn, phân tích thẳng thắn trên cơ sở đánh giá trách nhiệm của từng cơ quan. Và quan trọng nhất là các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp với Chính phủ các giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất trong phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng cuối năm nay và cả năm 2024.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):
Tạo đột phá ở đội ngũ doanh nhân
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, và dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%.
Quốc hội đánh giá kết quả trên mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra các mục tiêu phấn đấu và triển khai 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp. Trong đó, 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn giá trị hiện hữu...
Về thể chế, Quốc hội và Chính phủ đã, đang rất nỗ lực và có bước tiến khi xây dựng, xem xét thông qua bình quân 8-9 dự án luật và nhiều nghị quyết ở mỗi kỳ họp. Trong đó có những cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về hạ tầng cơ sở, năm 2023, vốn đầu tư phát triển tăng 40% so với năm 2022, quyết tâm trong kỳ trung hạn sẽ triển khai hết 2,87 triệu tỷ đồng.
Trong bối cảnh hiện tại, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến thúc đẩy đầu tư công, bởi đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết "điểm nghẽn", làm bệ phóng tăng tốc cho kế hoạch giai đoạn 2026-2030. Để tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm logistics... thì cần tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.
Bên cạnh hạ tầng kinh tế, giao thông thì hạ tầng số cần được quan tâm để phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Hơn nữa, cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là những thành phố đầu tàu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Với nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cần đột phá ở đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bộ Chính trị vừa qua có nghị quyết về phát triển doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới, nên cần sớm thể chế hóa để đội ngũ này phát huy ý chí, khát vọng vì đất nước phồn vinh, hưng thịnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.