Chính trị

Xử lý người đứng đầu khi xảy ra sai phạm trong lưu trữ

Đình Hiệp 27/11/2023 - 18:39

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, chiều 27-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho biết, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ chưa đầy đủ. Trong khi đó, pháp luật về lưu trữ chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhưng chưa có chế tài xử lý các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức.

chieu-tran-thu-hang.jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

“Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ nhằm xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ hành vi vi phạm”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị.

chieu-hoang-minh-hieu.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của quản lý Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể thống kê đầy đủ thông tin về các tài liệu lưu trữ, nhất là đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đang tồn tại trong cộng đồng. Vì vậy, cần có thêm những chính sách cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ các loại tài liệu đã quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 7 thuộc UBND tỉnh quản lý lưu trữ và UBND xã quản lý, lưu trữ để thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

chieu-do-van-yen.jpg
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) quan tâm đến các quy định lưu trữ tại UBND cấp xã. Thực trạng công tác lưu trữ tại cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu rất khó tìm kiếm.

chieu-pham-thi-kieu.jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị, dự thảo luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ tại cấp xã; nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã...

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tiếp thu tối đa, nghiên cứu để tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo luật.

chieu-bo-noi-vu.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp, có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2024.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý người đứng đầu khi xảy ra sai phạm trong lưu trữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.