Chính trị

Kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tiến Thành 23/10/2023 - 06:16

Sáng nay (23-10), kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp cho thấy, cử tri Thủ đô quan tâm kiến nghị, đề xuất Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ chế thực hiện chính sách cấp thiết về an sinh xã hội, tăng cường giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

cu-tri.jpg
Cử tri huyện Ba Vì phát biểu ý kiến, kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá cao những kết quả quan trọng, toàn diện

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, cử tri đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đối ngoại… đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.

Cử tri Thủ đô cũng đánh giá cao Quốc hội tiếp tục có nhiều sáng tạo, cải tiến; hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đúng trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cao. Các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân.

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội không chỉ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2023 mà còn đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, kết quả nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm. Đây đều là những nội dung lớn và rất quan trọng. Nhận định năm 2023 có nhiều khó khăn, cử tri Vũ Tiến Dũng (quận Hoàn Kiếm) kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, cùng với tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện.

Quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội sắp tới, cử tri Nguyễn Phương Nhi (quận Đống Đa) cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm. “Đề nghị các đại biểu Quốc hội cần nghiêm túc, khách quan, công tâm, trung thực, trách nhiệm trong việc bỏ phiếu tín nhiệm; đồng thời cần sử dụng kết quả của hoạt động này trong công tác cán bộ”, cử tri Nguyễn Phương Nhi nói.

Vui mừng với việc Nhà nước đã tích lũy đủ tài chính hơn 500 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, cử tri Nguyễn Xuân Thủy (huyện Phúc Thọ) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương yên tâm công tác.

Bảo đảm tính đồng bộ trong xây dựng pháp luật

Với việc tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật, cho ý kiến vào 8 dự án Luật, cử tri Thủ đô cũng bày tỏ mong muốn kỳ họp sẽ đề ra những quyết sách quan trọng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… Đây đều là những dự án luật được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi các nội dung của luật tác động trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu, quyền và lợi ích của người dân, cũng như tác động đến thị trường bất động sản, thị trường nhà ở và nền kinh tế.

Với tầm quan trọng như vậy, cử tri Lê Khắc Bình (thị xã Sơn Tây) cho rằng, mỗi quy định, mỗi chính sách của các dự thảo luật đều cần phải được nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, bảo đảm yêu cầu cao về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật trước khi được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) - nội dung được cử tri Thủ đô đặc biệt quan tâm, theo dõi. Cử tri Hà Nội nhận định, đây là bộ luật hết sức đặc biệt và quan trọng, quy định những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển Thủ đô, xứng đáng với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, xã hội.

Cử tri Nguyễn Tiến Đức (quận Ba Đình) đề nghị, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này phải tháo gỡ được những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho Hà Nội phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để phát triển. Cử tri Thủ đô cũng đánh giá cao các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo; cho rằng việc phân cấp khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các mặt công tác một cách linh hoạt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khả thi...

Các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu đều là những nội dung quan trọng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân trước những vấn đề lớn của đất nước. Cử tri mong rằng, Quốc hội sẽ hoàn thành mục tiêu chương trình kỳ họp, sáng suốt đưa ra được những quyết sách đúng đắn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển, các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.