Chiều 28-11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ hôm nay đến hết ngày 30-6-2025.
Nghị quyết cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án.
Việc sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, Nghị quyết quy định: Căn cứ nguồn vốn và số vốn dự kiến cho dự án từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án; nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, 6 dự án khác được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nêu trên được trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định đưa vào sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Nghị quyết cũng quy định nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định chỉ cho phép áp dụng chính sách này đối với các dự án quốc lộ, cao tốc. Với ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung đối tượng nhà đầu tư được áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý không quy định đối tượng là nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.