Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động nắm cơ hội

Gia Khánh| 22/05/2021 06:01

(HNM) - Có thể nói, nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn, có sức tiêu thụ cao, để từ đó gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu.

Dẫn chứng rõ nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các nước Liên minh châu Âu tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sang Anh cũng có nhiều khởi sắc, dù ngày 1-5-2021 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen mới chính thức có hiệu lực.

Thực tế, các FTA, kể cả song phương và đa phương, đều là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, khi thuế suất được cắt giảm. Mặt khác, những cam kết mà các FTA đặt ra, nhất là về chất lượng hàng hóa, xuất xứ, nguyên liệu, môi trường, lao động… đã tạo ra áp lực mang tính tích cực, buộc doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, năng lực quản lý, có trách nhiệm với xã hội; các thể chế kinh tế cũng tiếp tục phải hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế để Việt Nam hội nhập chủ động, hiệu quả.

Lợi ích từ các FTA đã được chứng minh khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường các quốc gia thành viên gia tăng. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nắm rõ, hiểu sâu về các FTA. Bên cạnh đó, điều kiện về xuất xứ nguyên liệu để được hưởng ưu đãi cũng đang là một thách thức. Thêm nữa, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên vẫn dè dặt trong đầu tư, đổi mới để tham gia “sân chơi” lớn.

Dư địa cho xuất khẩu vào các thị trường FTA còn nhiều. Vì thế, để tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ các FTA, trước hết, các cơ quan quản lý cần xây dựng, cập nhật định hướng xuất khẩu. Trong đó, chỉ rõ những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, để giúp doanh nghiệp chủ động đầu tư và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc thông tin về nội dung các FTA cần tiếp tục đẩy mạnh, bao gồm các cam kết, điều kiện, lợi ích và cả thách thức khi doanh nghiệp tham gia.

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính cũng là nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh. Bởi, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch là chỗ dựa quan trọng để doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về các FTA, nắm bắt cơ hội kinh doanh; chủ động đầu tư công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh. Song song đó, cần chủ động đáp ứng các điều kiện về môi trường, lao động… nếu muốn được hưởng ưu đãi từ các FTA.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng những ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là các ngành không có thế mạnh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, như: May mặc, thiết bị điện tử... Do đó, các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng để vừa giảm chi phí, đáp ứng được quy định về xuất xứ, vừa xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn cho xuất khẩu.

Sự hỗ trợ của Nhà nước là điều kiện cần, sự chủ động đổi mới của doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội gia tăng xuất khẩu mới là điều kiện quyết định.

Tổng hòa những yếu tố đó, FTA sẽ là đường “cao tốc” đưa hàng hóa của nước ta đến với thế giới, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nắm cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.