Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thúc đẩy thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
Đào tạo đội ngũ nhân lực đủ trình độ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá hội nhập rất nhanh. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với hơn 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương), Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu quan điểm, hội nhập thành công không chỉ được đo đếm bằng số lượng các hiệp định đã ký, số vốn, số lượng nhà đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu đạt được trong từng năm… mà quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào quá trình sản xuất, cung ứng toàn cầu và tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Trước chất vấn của đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) về giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi tham gia các FTA, Bộ trưởng nêu, để khai thác hiệu quả các FTA, suy cho cùng vẫn phải là con người hiểu biết, có kỹ năng và có nghiệp vụ thực thi.
“Vì vậy, trong thời gian tới, mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ thạo về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế cũng như các FTA”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời.
Các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có kế hoạch để mở những mã ngành, có chương trình đào tạo, tuyển sinh để có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với trách nhiệm của ngành, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng những chương trình để bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ của các ngành, địa phương tham gia hội nhập. Bộ có tài liệu đăng trên cổng thông tin điện tử, tổ chức các lớp tập huấn định kỳ và đặc biệt là tổ chức giao ban với các thương vụ nước ngoài để cập nhật những thông tin về chính sách mới của các nước sở tại.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi thực hiện các FTA, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật phi thuế quan của các nước. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các hiệp định mà Việt Nam đã là thành viên, để có thể khai thác, tận dụng cơ hội. Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với diễn biến thực tế và kinh nghiệm quốc tế.
Thứ ba là đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định liên kết kinh tế mới nhằm khai mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cuối cùng là tăng cường hỗ trợ thông tin, cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm và giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Kết quả đã giải quyết được nhiều vụ với các mặt hàng thép, mật ong, sản phẩm dệt may, da giày...
“Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan đăng ký đầu tư nước ngoài; cân nhắc khi ban hành các chính sách có thể bị cáo buộc là trợ cấp”, Bộ trưởng nêu giải pháp.
Ngoài ra, cần triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; tuân thủ chặt chẽ các quy định để chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trước khi thực hiện các hợp đồng thì cần trao đổi kỹ lưỡng với đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro và khả năng bị điều tra phòng vệ.
Các doanh nghiệp khi bị điều tra phải liên hệ với cơ quan chức năng Bộ Công Thương, trước hết là các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.