(HNM) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công nghệ thông tin (CNTT) thu hút số người trẻ khởi nghiệp vượt trội so với các lĩnh vực khác. Điều đó cho thấy, đây là lĩnh vực hấp dẫn với cộng đồng khởi nghiệp, song vấn đề đặt ra là: Khởi nghiệp bắt đầu như thế nào, chọn môi trường nào để phát huy sáng tạo...?
"Hành trang" khởi nghiệp
Tại buổi giao lưu khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT do VCCI tổ chức mới đây, có hai ý kiến chia sẻ đáng chú ý của hai tên tuổi trong ngành CNTT Việt Nam là Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm Misa Lữ Thành Long. Theo ông Trương Gia Bình, ngoài điều kiện thuận lợi đối với người tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, như “đúng thời điểm”; “không biên giới”; “ý chí vươn lên, sáng tạo”…, thì phải kể đến hai yếu tố nền tảng: Việt Nam đã trở thành quốc gia phát triển mạnh về internet; đồng thời cũng là quốc gia phát triển về phần mềm. Đó là điều kiện cho người trẻ lập nghiệp, khi mỗi người đều có thể trở thành doanh nghiệp (DN) số, thậm chí thành lập một công ty vận tải lớn mà không cần sở hữu xe (như Uber).
Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm Misa Lữ Thành Long cho rằng, để khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT phải cần 5 việc: Biết lập kế hoạch kinh doanh; được cố vấn phản biện về ý tưởng; biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn; biết thủ tục pháp lý để thành lập DN; biết cách tổ chức DN để hoạt động. Những chia sẻ này đều bắt nguồn từ thực tế mà những người đi trước đã trải qua. Thế nhưng trong hàng trăm, hàng nghìn người lập nghiệp bằng cách thành lập các DN, không phải ai cũng thành công. Nói vậy có nghĩa người trẻ tuổi cần học hành, trang bị kiến thức trước khi bước vào thử thách, thậm chí phải biết chấp nhận thất bại...
Cơ hội cho những đam mê
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp của người trẻ hiện nay là rất tuyệt vời, song không nên hiểu cứ khởi nghiệp là phải thành lập công ty, phải làm chủ DN, nhất là khi người trẻ chưa được trang bị, chưa sẵn sàng cho mình kiến thức nền tảng quản trị và đặc biệt là có nhiều người chưa từng một ngày làm nhân viên. Vị Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết, khi còn là sinh viên năm thứ hai (năm 1997) khoa Du lịch (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), vì mê mạng Trí tuệ Việt Nam của FPT, anh đã xin làm bán thời gian, bắt đầu từ việc đi cài đặt mạng cho khách hàng. Vốn học trái nghề, anh đã phải tự học hỏi, rèn luyện, với tâm niệm làm nhiều thời gian hơn ắt sẽ thông thạo.
Từ nhân viên làm bán thời gian, rồi trở thành nhân viên chính thức, anh Khoa lần lượt được FPT giao các nhiệm vụ từ việc thành lập, mở các hướng kinh doanh mới, lập chi nhánh tại các tỉnh, lập công ty ở nước ngoài... đến năm 2012, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của công ty này. Điều đó cho thấy, để có được vị trí, trở thành CEO của một trong 3 DN cung cấp dịch vụ internet lớn nhất hiện nay, vị Tổng Giám đốc này đã phải trải qua một quá trình lao động, rèn luyện và trang bị kiến thức không ngừng.
Tại FPT, rất nhiều bạn trẻ đang làm việc có cơ hội phát triển, trong đó không ít lãnh đạo ở lứa tuổi 9x. Trường hợp của Võ Minh Toàn - Trưởng phòng Kinh doanh số 13 khu vực TP Hồ Chí Minh, thuộc FPT Telecom là ví dụ. Sinh năm 1991, gia nhập FPT cách đây 2 năm, Võ Minh Toàn đã kinh qua nhiều công việc, từ kéo, hàn cáp, xử lý sự cố kỹ thuật, chăm sóc khách hàng, tiếp thị, bán hàng cho đến vị trí hiện nay. Chia sẻ quan điểm khởi nghiệp của mình, Võ Minh Toàn cho rằng: “Bất kỳ môi trường nào, dù tự tạo lập hay phát triển trên nền tảng sẵn có, cơ hội luôn mở ra cho những ai có năng lực, đam mê và nhiệt huyết”.
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Nếu bạn muốn lên chỗ cao nhất thì hãy bắt đầu từ chỗ thấp nhất”. Đây được xem là lý do cho không ít cá nhân dù đã thành công, vẫn tìm đến FPT để thử thách. Chẳng hạn như Nguyễn Tuấn Sơn, đứng đầu dự án khởi nghiệp Kleii nổi tiếng 2 năm trước, đã đầu quân cho FPT Telecom để tiếp tục đem kiến thức, kinh nghiệm phục vụ sự phát triển chung và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. “Tôi vẫn cho rằng, môi trường làm việc tốt sẽ góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho các bạn trẻ "vẫy vùng", phát huy sở trường, ngày càng hoàn thiện nhằm vươn lên những tầm cao mới trong sự nghiệp, lẫn cuộc sống. Khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác, vì vậy ngoài ý tưởng hãy ưu tiên trang bị cho mình đầy đủ hành trang để khởi nghiệp, có thể khởi nghiệp ngay tại nơi mình lựa chọn làm việc" - Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.