Thông qua sự hỗ trợ của chính phủ, ngành công nghiệp vũ trụ đang phát triển của Singapore tiếp tục hướng đến những chân trời mới, với mục tiêu là có các công ty khởi nghiệp địa phương tạo dựng được dấu ấn trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp vũ trụ Singapore hiện bao gồm khoảng 2.000 chuyên gia làm việc tại hơn 60 công ty. Chỉ riêng năm 2023, lĩnh vực này đã phóng 9 vệ tinh mang những công nghệ do các doanh nghiệp Singapore phát triển.
Hãng tin CNA ngày 21-2 dẫn phát biểu của giới chuyên môn Singapore nhận định, nhu cầu toàn cầu đang ngày càng tăng đối với các dịch vụ dựa trên vệ tinh, từ viễn thông đến quan sát trái đất, khi nhu cầu về một thế giới kết nối hơn với khả năng tiếp cận lớn hơn tăng lên.
Để đón đầu xu hướng này, Singapore đang cố gắng tạo ra "môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và khởi nghiệp", nhằm tiếp tục thu hút nhiều công ty "trưng dụng" đất nước này làm cơ sở khai thác các cơ hội tăng trưởng.
Ông Soh Leng Wan, trợ lý giám đốc điều hành sản xuất và kỹ thuật tại công ty hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Enterprise Singapore cho biết, chính phủ Singapore đang "nỗ lực rất nhiều để nuôi dưỡng lĩnh vực này".
Năm 2022, Singapore đã thông báo đầu tư 150 triệu SGD (tương đương 111 triệu USD) để giúp các công ty nghiên cứu, qua đó phát triển năng lực không gian của đất nước.
"Chúng tôi đã chứng kiến sự quan tâm to lớn của Singapore đối với công nghệ vũ trụ", người sáng lập Equatorial Space System, ông Simon Gwozdz, cho biết.
Công ty khởi nghiệp Equatorial Space System được thành lập tại Singapore vào năm 2017, và tới nay huy động được khoảng 2,6 triệu USD tài trợ để phát triển tên lửa không nổ. Tuy nhiên, công ty này vẫn phải gửi tên lửa đi nơi khác để thử nghiệm, do những hạn chế về không gian ở Singapore.
Tiến sĩ Mark Lim, Giám đốc điều hành một công ty công nghệ vũ trụ khởi nghiệp Singapore khác là Aliena, cũng thừa nhận rằng, các công ty vũ trụ của Đảo quốc sư tử vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể lớn mạnh trên nền tảng toàn cầu. Hiện nay, Aliena đang tìm kiếm các giải pháp để đưa vệ tinh đến gần Trái đất hơn, giúp thu thập dữ liệu chất lượng cao hơn của hành tinh thông qua hình ảnh có độ phân giải cao, cũng như đạt được độ trễ thấp hơn trong truyền tải thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.