Doanh nghiệp

Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Cần hoàn thiện hệ thống chính sách

Thu Hằng 09/04/2024 06:32

Thời gian qua, việc có quá nhiều khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo đã gây lúng túng trong quản lý cũng như trong xây dựng và thực thi các chính sách.

Trước những yêu cầu mới của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là cần thiết, trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo...

techfest.jpg
Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Trong ảnh: Các đội dự Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” Techfest năm 2023.

Còn thiếu cơ sở pháp lý

Để tạo lập môi trường bền vững, thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với mục tiêu cùng với các địa phương khuyến khích các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo…

Cùng với Đề án 844, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp khác như: Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp… cũng được triển khai tích cực, có sự phối hợp, liên kết với nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững, toàn diện.

Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 Phạm Dũng Nam cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn...

Đặc biệt là những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cũng như cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm mầm cho khởi nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Đức Hoàng cho biết, quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo đặt ra một số vấn đề như: Chưa có sự thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực bộ máy, con người, kinh phí triển khai các nội dung hoạt động cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo...

Bắt đầu từ việc “định danh”

Việt Nam hiện có khoảng trên 30 thuật ngữ được sử dụng để nói về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và không phân biệt được giữa khởi nghiệp sáng tạo với đổi mới sáng tạo. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay, các thuật ngữ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau, gây ra sự thiếu chuẩn xác, không thống nhất trong thực thi các hoạt động chuyên môn, xây dựng các chính sách hỗ trợ và trong công tác quản lý nhà nước.

Thực trạng chưa có hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo dẫn tới hiểu chưa đúng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng chính là lý do dẫn tới nhầm lẫn khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đưa ra dẫn chứng: “Chúng ta phải mượn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để gắn nội dung quản lý đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào đó, mặc dù mục đích của khởi nghiệp sáng tạo khác với khởi tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Rõ ràng, việc hình thành, quản lý các tổ chức đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn vướng mắc, ở cả khối công lập và tư nhân.

Trước thực tế trên, rất cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, hiện Bộ đang cân nhắc hai phương án giải quyết vấn đề “định danh” khởi nghiệp sáng tạo. Thứ nhất là đưa các định nghĩa này vào Luật Khoa học và Công nghệ (đang trong quá trình sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 5-2025 và thông qua vào tháng 10-2025). Thứ hai là xây dựng một nghị định thống nhất giữa các bộ, ngành để hướng dẫn “định danh” khởi nghiệp sáng tạo và các mối quan hệ trong hệ sinh thái. Nghị định này sẽ tháo gỡ những vướng mắc, quy định chính thức về khái niệm, định nghĩa của các hoạt động này, từ đó phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Cần hoàn thiện hệ thống chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.